Cổ phiếu ngành xuất khẩu thuỷ sản dự báo sẽ có nhiều điểm sáng trong những tháng còn lại của năm 2024.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2024 đã tiếp tục xu hướng tăng dần so với cùng kỳ năm 2023 nhờ nhu cầu hồi phục của một số thị trường chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Châu Âu.
Theo thống kê Hải quan, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 5 đạt 828 triệu USD (tăng 2,3%), đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 đạt 3,6 tỷ USD. Tôm và cá tra tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu chủ lực chiếm lần lượt 36% và 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Lũy kế 5 tháng đầu 2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 747 triệu USD, xuất khẩu tôm đạt 1.297 triệu USD, xuất khẩu cá ngừ đạt 386 triệu USD, xuất khẩu mực và bạch tuộc đạt 239 triệu USD...
VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần và khả quan hơn vào nửa cuối năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hồi phục trở lại mức 9,5 - 10 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 - 3,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các thị trường lớn được kỳ vọng hồi phục nhờ lạm phát tại các thị trường lớn được kiểm soát kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng đặc biệt vào thời điểm cuối năm tập trung nhiều các dịp lễ, Tết.
Việc Mỹ và EU áp dụng các biện pháp trừng phạt, siết chặt nhập khẩu thủy sản từ Nga mở ra cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Kỳ vọng nhu cầu tăng trong quý III, trước khi Mỹ bước vào các dịp lễ lớn vào cuối năm (Lễ Tạ Ơn, Giáng sinh). Chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là 2 thị trường Mỹ và Nhật Bản với tỷ trọng lần lượt là 17,1% và 16,2%, một vài thị trường mới nổi có sự tăng trưởng tuy nhiên đóng góp là không đáng kể.
Theo dự báo, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng cổ phiếu nhóm thuỷ sản xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ và Trung Quốc sẽ được hưởng lợi, nổi bật với VHC - CTCP Vĩnh Hoàn.
Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp chuyên ngành cá tra về nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của VHC bao gồm Mỹ, EU và Trung Quốc. Lũy kế 5 tháng đầu 2024, VHC ghi nhận doanh thu đạt 5.033 tỷ đồng tăng 24%. Việc Mỹ cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga mở ra cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nói chung và VHC nói riêng. Bên cạnh đó, nguồn cung cá rô phi đang thiếu hụt tại thị trường Mỹ và Trung Quốc, khiến giá bán tăng cao. Nhờ lợi thế về giá cả cạnh tranh, cá tra có thể trở thành sản phẩm thay thế tiềm năng cho cá rô phi. Điều này kỳ vọng sẽ giúp VHC gia tăng xuất khẩu tại hai thị trường chủ chốt này.
Tính đến cuối tháng 5, giá cá tra xuất khẩu bình quân sang Mỹ tăng 12% so với đầu năm, giá xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc cải thiện 6% so với đầu năm. Giá xuất khẩu cá tra dự kiến sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2024 khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn đang dần tăng trở lại. Ngoài ra, giá thức ăn nuôi cá tra kỳ vọng giảm nhờ tình thời tiết thuận lợi hơn so với năm 2023, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của VHC.
VHC dự kiến mở rộng thêm 50% công suất sản xuất lên 7.000 tấn/năm trong năm 2024. Kỳ vọng việc mở rộng công suất sẽ tạo động lực chính cho mảng kinh doanh này khi nhu cầu tiêu thụ Collagen & gelatin toàn cầu dự kiến sẽ tăng mạnh.
Một doanh nghiệp nữa trong ngành thuỷ sản được kỳ vọng là ANV - Công ty Cổ phần Nam Việt. Đây là doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến cá tra tại Việt Nam với công nghệ nuôi trồng khép kín hiện đại. ANV hiện sở hữu 14 vùng nuôi cá, và gần 600 ha vùng nuôi công nghệ cao Bình Phú.
Hiện nay, doanh nghiệp đã tự chủ 100% thức ăn cho nuôi trồng nhờ 10 dây chuyền nhà máy thức ăn (công suất 1000 tấn/ngày), và tự chủ 100% cá nguyên liệu cho 4 nhà máy chế biến (tổng công suất thiết kế 1.000 tấn cá nguyên liệu/ ngày). Kỳ vọng thị trường Mỹ là điểm sáng 6 tháng cuối năm 2024 cho ANV khi Mỹ cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga, giảm bớt áp lực cạnh tranh từ cá tuyết, cá minh thái. Bên cạnh đó ANV hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá 0 USD/kg (POR19)…
Có thể nói, hiện kết quả của các doanh nghiệp thuỷ sản cũng đã phản ánh phần nào sự phục hồi của ngành, tuy nhiên mức độ hồi phục phụ thuộc vào sản phẩm và thị trường chính của từng doanh nghiệp. Sản lượng xuất khẩu đã có sự hồi phục tích cực tuy nhiên giá xuất khẩu chưa có sự cải thiện nên dù doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng lợi nhuận không tăng trưởng tương ứng.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có kết quả tích cực hơn xuất khẩu cá tra, nhiều doanh nghiệp cũng đã báo lãi tăng trưởng so với cùng kỳ. Mirae Asset cũng cho rằng triển vọng ngành nửa cuối năm 2024 có thể đạt mục tiêu với kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD (tăng 8%). Các thị trường chính kỳ vọng sẽ phục hồi khi lãi suất có thể được điều chỉnh tăng thêm ưu đãi vào giai đoạn nửa cuối năm.
Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố ngoại cảnh có thể tác động như mức thuế chống bán phá giá, căng thẳng chính trị làm giá cước phi mã, thẻ vàng IUU, cạnh tranh với thuỷ sản từ nhiều nước khác đòi hỏi nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước. Mặt bằng định giá của các cổ phiếu thuỷ sản đang ở mức trung bình 5 năm phản ánh kỳ vọng trung lập của thị trường với ngành này. Do vậy CTCK khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi những cổ phiếu đầu ngành, có lợi thế cạnh tranh vững chắc để có thể mua vào trong những nhịp điều chỉnh của thị trường.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp