Thời của thất thường

Kinh tế tuyến tính và kinh tế nâu trong suốt nhiều thế kỷ đã để lại hệ lụy quá lớn, sự tồn vong của cả thế giới. Trước bờ vực thẳm, các bên gây hại (cũng là thu lợi nhiều nhất) mới bắt tay nhau “chung lo” cho hành tinh này. Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… đã thay thế và dần hiển hiện, nay càng lan tỏa; báo hiệu một giai đoạn mới, phục hồi và bền vững.

Chú thích ảnh

Tuy nhiên, di chứng đã tạo ra trong thời gian dài, không phải được phục hồi ngày một ngày hai. Trái đất vẫn còn đang nóng lên và thất thường của thời tiết diễn ra khắp nơi, quanh năm. Biểu hiện như mưa dồn dập tập trung tạo lũ lụt, nắng nóng gay gắt, lạnh thất thường, bão có cường độ cao và sức tàn phá khốc liệt hơn bởi di chuyển nhanh hơn…

Tất cả chỉ cục bộ, và mỗi khu vực sẽ trải qua nhiều hiện tượng  thất thường nêu trên. Hiện nay cuồng phong vừa tàn phá Thượng Hải. Trước đó bão Yagi (số 3) gây thiệt hại, mất mát quá lớn cho nhiều quốc gia, riêng nước ta tính ra hàng tỷ USD bị lũ cuốn trôi. Dự báo từ nay đến cuối tháng 9 còn bão tới và quý 4 sẽ còn bão thăm. Cả nước bị sự thất thường này gây phiền toái; tốn thời gian, công sức ứng xử và sau đó là khắc phục.

Nhân đây, cũng nên nhắc một điểm sáng của Chính phủ. Chủ trương và hành động của Chính quyền các cấp coi sinh mạng người dân là quan trọng hàng đầu để kịp thời giải cứu và chăm lo khi bão tới đã tạo ra một nguồn động viên to lớn để mọi người an tâm hơn và không gian giảm phần căng thẳng trong hoàn cảnh nguy nan. Một điểm vô cùng sáng trong bức tranh u ám khi bão về. Bao hành động dũng cảm; bao nghĩa cử dấn thân… là những tấm gương nêu lên tinh thần chia sẻ, đoàn kết hết lòng vì hai chữ đồng bào.

Trở lại sự thất thường của thời tiết trong sự tác động ngành tôm nước ta, có nhiều chuyện đáng nói. Trong đó, đáng quan tâm nhất là lĩnh vực nuôi tôm vì sự tác động của thời tiết rõ nét nhất. Nếu thời tiết có chu kỳ như những thập niên trước đây, ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng sẽ tính toán làm sau cây trồng, vật nuôi né tránh rủi ro, bất lợi. Từ đó lịch trình trồng, nuôi khá ổn.

Nhưng tính thời vụ của sản phẩm nông nghiệp khá rõ nét. Theo sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, cây giống, con giống, chế phẩm cho cây trồng vật nuôi… sẽ tạo ra sản phẩm có thể thu hoạch quanh năm; đáp ứng đầy đủ nhu cầu người tiêu dùng, dù giá cả cũng tùy lúc theo khả năng cung cầu. Tuy nhiên, khi thời tiết thất thường thái quá, đã vượt qua sự chịu đựng, nhất là con tôm nuôi hết sức nhạy cảm với sự biến động của môi trường.

Nhiệt độ có biên dao động lớn là ải con tôm phải vượt qua đầu tiên. Nếu nhiệt độ thấp quá, virus sẽ có môi trường thuận lợi; và nếu nhiệt độ cao quá lại là cơ hội cho vi khuẩn phát triển, trong đó có vi khuẩn gây hại cho tôm nuôi. Mưa dầm khiến môi trường nước nuôi biến động như độ mặn, pH, độ kiềm đều giảm; sức chống chọi của tôm giảm theo. Gió dữ khiến đàn tôm trong ao tìm nơi tránh trống, dễ bị stress. Và nếu bão về, sự tác hại trên ao tôm là “tổng hợp” các bất lợi vừa nêu!

Dự báo thời tiết từ nay cuối năm còn nhiều đợt mưa dầm và nhiều cơn bão về, làm sao người nuôi an tâm thả giống. Ao treo, người nuôi lấy đâu nguồn thu để trang trải cuộc sống. Hệ lụy đâu dừng lại ở đó, nhà máy chế biến làm sao có đủ tôm nguyên liệu; việc làm giảm, một bộ phận lao động sẽ thất nghiệp… Các dịch vụ cung ứng cho nuôi, chế biến cũng sẽ giảm quy mô hoạt động.

Thời tiết thất thường; ngành trồng trọt, chăn nuôi bị tác động rõ nét. Nhưng có các nghiên cứu cho thấy thời tiết thất thường cũng khiến các đàn hải sản sinh sống và phân bổ không như trước dây, sẽ làm giảm khả năng khai thác. Lỗ lã sẽ thêm tàu nằm bờ. Các ngành kinh tế khác cũng đều bị tác động; nhiều ít tùy hoàn cảnh.

Trở lại con tôm; dự báo dài hạn, cho thấy La Nina theo chu kỳ sẽ xuất hiện, thời tiết sẽ thêm bất thường, nhiệt độ sẽ giảm thấp. Nhớ năm 2014, La Nina xuất hiện ở miền Tây. Tháng 4 mà đêm nhiệt độ như… Đà Lạt; trại tôm phải nhanh chóng mua thêm mền dầy cho toàn bộ lao động. Và phải thêm áo chống lạnh để đêm người coi ao mới có thể ra thăm nom đàn tôm. Nhưng tất cả nỗ lực của trại không chống trả được sự tăng trưởng và phát tán trong gió của virus đốm trắng – hung thần của ngành nuôi tôm. Virus này tới đâu là tôm chết hết ao này tới ao khác. Số tôm còn lại trong ao cũng không thể thu hoạch, vì thu hoạch sẽ là hành động thúc đẩy virus lây lan thêm; chỉ còn cách đánh hóa chất tiêu diệt hết cả ao. Đợi đủ thời gian, khoảng 2 tuần sau, mới xử lý ao lại nuôi tiếp.

Nay dự báo La Nina sắp về, chưa biết cường độ ra sao, nhưng sẽ là một nguồn năng lượng tiêu cực, khiến người nuôi không mặn mà với ao tôm. Như vậy, năm 2025 sẽ không ít bất lợi cho ngành tôm ta. Từ góc nhìn đó, từ bây giờ phải có sách lược ứng xử, nhằm giảm thiệt hại và tìm cơ hội…

Lo xa có cái lợi, lo xa quá cũng gây bao phiền phức, như gây bất an. Tuy nhiên, đây chỉ là suy luận theo suy nghĩ đơn giản. Thời buổi cạnh tranh khốc liệt, mang tính chất toàn cầu, ngành tôm chậm chân là thua thiệt, là tác động chuỗi tới hàng triệu người tham gia ngành hàng này. Cho nên các doanh nhân trong ngành luôn “lo xa” là điều cần thiết, hiển nhiên; trở thành “thói quen”, không có gì là bất an hết! Bao năm qua, bao nhiêu khó khăn chồng chất, với góc nhìn đó, ngành tôm đã luôn vượt dốc. Theo thời gian, kinh nghiệm thêm sâu, bản lĩnh thêm cao, chúng ta có nền tảng tự tin dù thất thường trong môi trường hoạt động có ra sao, cuối cùng sẽ là một ngành tôm có tầm vóc tốt hơn mà thôi.

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia