Chuyện khó con tôm

Thương trường luôn đầy bất trắc, gần như không năm nào không có thêm cái khó mới. Điều này trở thành bình thường, khó khăn là bạn đồng hành doanh nhân. Năm nay, ngành tôm Việt có lắm điều vất vả, theo nhẩm tính, chưa lúc nào ngành tôm ta gặp khó khăn to lớn như bây giờ.

Chú thích ảnh

Trước tiên, chuyện nuôi tôm. Hiện nay người nuôi tôm khốn khó vì dịch bệnh tôm rất trầm trọng, chủ yếu do vi khuẩn tấn công trên diện rộng. Tôm thả nuôi thiệt hại trong vòng tháng, cầm cự kéo dài thì tháng rưỡi, thu tôm khoảng 200 con kg, chỉ có lỗ tới lỗ mà thôi.

Nguyên nhân, thì bên cung ứng giống cho rằng giống tôm mình tốt. Người nuôi thì nói đã quan tâm xử lý môi trường nuôi cực kỳ cẩn thận rồi. Cơ quan chức năng tổ chức hội nghị đối thoại, kết quả vô minh! Người nuôi thiếu vốn, vụ nuôi tới rồi nhưng ao nuôi đang trơ đáy. Các nhà đầu tư thì âu lo rủi ro nên chưa mạnh tay, chờ diễn biến tình hình coi sao. Nhìn chung, qua tết là khởi động mùa tôm mới, năm nay chắc khởi động nhanh nhất cũng trễ một tháng vì đã sắp hết tháng Giêng.

Doanh nghiệp (DN) chế biến thì cầm cự vì đơn hàng không như thời hoàng kim. Vả lại, lúc này giá tôm thương phẩm tuy không cao lắm, nhưng vẫn còn cao so với giá bán, bởi giá tôm thế giới đang quá rẻ, rẻ hơn tôm mình trên 1 đô la mỗi kg tôm thương phẩm. Tính ra giá tôm thành phẩm thì chênh lệch trên 1 đô rưỡi, khó quá để tìm đơn hàng.

Thị trường lớn ra sao? Đồng yên của Nhật Bản mất giá kỷ lục 150 yên cho mỗi USD. Tình hình này khiến sức mua không thể mạnh. Hội chợ FOODEX ở Nhật Bản diễn ra đầu tháng 3 này chắc sẽ có nhiều doanh nhân tôm ta tham dự, gặp gỡ khách hàng bàn kế sách giữ chân người tiêu dùng. Cái được là sự chăm chỉ, cần mẫn của người lao động ta đã cung ứng tới thị trường này những sản phẩm mang tính truyền thống đối với người Nhật, với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, chưa có ngành tôm nước nào theo kịp. Thế mạnh này đang bị ngành tôm Indonesia dòm ngó, nhưng ta có tự tin giữ vững thị phần tôm hàng đầu ở đây. Còn lại là chuyện giá cả.

Qua tháng tư là hội chợ thủy sản quốc tế ở Bacerlona, Tây Ban Nha. Đây là một trong ba hội chợ thủy sản lớn nhất thế giới (cùng với Boston - Hoa Kỳ, Thanh Đảo - Trung Quốc). Tôm ta đang gặp khó ở đây, năm qua mức tiêu thụ giảm sút nhiều. Nguyên nhân, tôm giá rẻ của Ecuador chiếm lĩnh thị trường này. Họ có lợi thế là giá rẻ, là đáp ứng xu thế người tiêu dùng ở đây là tôm có chứng nhận nuôi ASC, là chi phí vận chuyển thấp hơn.

Xu thế người tiêu dùng ở EU đi trước các thị trường khác. Họ đòi hỏi tôm nuôi đạt chuẩn an toàn (ASC), đòi hỏi bên cung ứng có giải pháp giảm phát thải (nuôi, chế biến), đòi hỏi truy xuất nguồn gốc tận gốc (thành phần thức ăn tôm, tôm bố mẹ…), đòi hỏi phúc lợi động vật (tôm bố mẹ không cắt mắt khi sinh sản nhân tạo, nuôi mật độ vừa phải…). Sự yêu cầu nghiêm ngặt này là một lý do khiến đại lộ VN-EU đã có nhưng các xe ta (DN chế biến) chưa thể tăng tốc nổi! Chắc chắn tình hình này càng khiến các doanh nhân tôm cá ta càng phải tiếp cận thị trường này thấu đáo hơn. Hội chợ tới chắc gian hàng Việt của chúng ta phải to lớn và hoành tráng hơn, thu hút khách hàng.

Thông lệ, tháng mười là hội chợ Thanh Đảo, Trung Quốc. Năm rồi, Trung Quốc nhập một triệu tấn tôm, nói lên dung lượng quá lớn của thị trường gần này. Thật ra, Trung Quốc có hàng ngàn DN lớn chế biến tôm cung ứng cho các hệ thông tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Họ có lợi thế là tôm dạng nguyên liệu từ nhiều nước có sức cung thừa đáp ứng nhu cầu của mình, cho nên Trung Quốc chủ yếu nhập tôm nguyên liệu về tái chế và cung ứng. Tôm ta đại đa số tôm thành phẩm là tôm chế biến khá sâu và sâu; cho nên ta biết mình biết người, tập trung bán vào Trung Quốc những mặt hàng tôm mà các nước cung ứng tôm khác không thể đáp ứng. Trong quá trình giao dịch trên chục năm qua, các DN tôm ta đã có nhiều kinh nghiệm cho câu chuyện này. Từ đó, Trung Quốc trở thành một thị trường lớn đầy tiềm năng cho tôm ta. Chắc chắc ở hội chợ Thanh Đảo sẽ là một điểm hẹn khá lý tưởng và về lâu dài, Trung Quốc sẽ chiếm vị trí cao hơn trong thị phần tôm ta.

Tổng quan, thời điểm này ngành tôm ta đang gặp khó quá lớn. Khó từ nuôi, chế biến tới thị trường tiêu thụ. Tất nhiên người trong cuộc phải chủ động gánh vác thôi, chớ trông chờ thì chắc mờ mịt lắm. Trong đó, người nuôi là vất vả nhất, thiếu vốn và thừa bất trắc; chỉ mong việc kiểm soát bệnh tôm từ các cơ sở cung ứng tốt hơn; chỉ mong thời tiết sẽ thuận lợi hơn và rất mong các nhà đầu tư vào cuộc, tiếp tay người nuôi.

Các doanh nhân tôm thì phải bươn chải thôi, không thể đợi sung rụng. Bây giờ làm ăn bền vững, quan tâm hơn các rủi ro, không còn ý tưởng “đánh quả” nữa. Đầu ra quyết định đầu vào, vai trò doanh nhân tôm vô cùng to lớn, đầy tính quyết định. Hàng trăm ngàn hộ nuôi tôm, hàng chục ngàn lao động chế biến trông chờ kết quả những chuyến xuất xuất ngoại tìm đường thoát nguy của các doanh nhân ngành. Tất cả còn ở phía trước, dù chúng ta có lòng tin về bản lĩnh đội ngũ doanh nhân tôm ta, nhưng điều âu lo lớn hơn là tình hình nuôi tôm, chưa thấy ánh sáng rõ nét phía trước dù mùa tôm đang cận kề.

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Toàn cảnh sản xuất, XK tôm Việt Nam và vị thế tôm Việt Nam trong bức tranh ngành tôm thế giới trong 6 năm qua cùng với dự báo tới năm 2025, thông tin chi tiết có tại Báo cáo ngành hàng tôm 2018 - 2023 và dự báo đến năm 2025

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia