Bài 1: Đi dạo Hội chợ Quốc tế Thủy sản Boston

Tôi vắng liên tục 5 năm, nên có chút háo hức khi trở lại đây. Boston với cái lạnh đêm ngày chỉ 0-7 độ C, không tuyết, ít gió, nắng trưa, chợt như tạo ra cảm giác an tâm, ấm lòng hơn cho khách vãng lai, như tôi.

Chú thích ảnh

Cho chắc ăn, tôi đã gặp nhiều người, đều xác nhận quy mô hội chợ năm nay lớn nhất, lấp đầy sảnh, chắc cũng đâu đó 1.500 gian hàng theo nhẩm tính của tôi. Khách thăm cũng đông, hơn năm rồi. Cuối ngày thứ hai, khách vẫn còn đông. Muốn dạo một vòng mất cả tiếng đồng hồ nếu đi nhanh. Khu gian hàng Việt Nam như mọi năm, chung riêng gần gũi, tạo hình ảnh khá ấn tượng về màu sắc hài hòa. Các doanh nghiệp (DN) cá  biển, cá tra, tôm… đều có mặt. Khách rất đông.

Ngày thứ nhất, anh đại sứ ta tại thủ đô Hoa Kỳ đến thăm, tạo niềm cảm khích, vui vẻ cho mọi người vì có cảm giác được chú ý quan tâm, chăm lo. Lời hứa của đại sứ là sẽ làm hết khả năng những gì VASEP cần và kiến nghị làm mọi người thêm chút phấn chấn. Gian hàng Việt Nam ngay tâm hội chợ, từ đó tôi đã dạo chơi bốn hướng trong hai ngày.

Trung Quốc bán tôm vào Hoa Kỳ ngày càng giảm, hiện nay chỉ vài chục ngàn tấn/năm, chủ yếu tôm bao bột, nhưng ngành thuỷ sản Trung Quốc tham gia đông nhất nếu tính theo gian hàng; nên quay qua, ngoảnh lại thấy đâu cũng có các cụm gian hàng của DN Trung Quốc. Thế mạnh thủy sản hiện nay của Trung Quốc là cá rô phi nuôi và hải sản, vì Trung Quốc có đội tàu khai thác viễn dương chắc hàng đầu thế giới. Tại hội chợ này, Trung Quốc phát huy thanh thế này.

Nhìn chung các nước tham gia hội chợ đều tổ chức các gian hàng của mình tập trung, gần nhau như để tăng sự hoành tráng, phô trương thực lực, tạo hình ảnh nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia. Chắc chục DN tôm hàng đầu Ecudor đều có mặt, vươn cao thế mạnh là tôm ASC và “first class shrimp!”. Argentina tiêu biểu là tôm biển đỏ, sản lượng lớn nhất thế giới. Canada lấy hình ảnh cá hồi làm tiêu điểm. Úc là con cá vược nuôi. Các gian hàng của các DN từ Ấn Độ, Indonesia có chút thua sút vì đơn điệu trong bố trí lẫn màu sắc. Nhìn chung các cường quốc tôm có mặt khá phong phú, chỉ trừ Thái Lan. Cụm gian hàng các nước, vùng lãnh thổ cũng nên nói thêm là Nhật Bản, là Đài Loan…

Tôi cũng chú ý các slogan. Nếu đã từng có “Từ trang trại tới bàn ăn!” cho nông sản, cho thủy sản nuôi, cho gia cầm gia súc; nay tôi xin “cập nhật” thêm là “From Lake to Plate!”, “From Fleet to Fork!”. Nêu ra đây cho các bạn làm marketing thêm thông tin và có ý tưởng tạo ra cái Slogan cho thủy sản Việt và từng DN sao ấn tượng hơn người!

Một nội dung đáng nói nữa là ngoài các chuyên đề hội thảo khá phong phú và mang đầy tính thời sự; ở hội chợ có rất nhiều hãng thiết bị giới thiệu máy đóng gói. Trước đây các hội chợ thủy sản hay có giới thiệu máy cân, máy hút chân không, nay phổ biến là máy đóng gói theo thị hiếu người tiêu dùng. Đó là máy đóng gói skin-packed, top-sealed, đóng gói định lượng... Nói thì đơn giản nhưng chủng loại hết sức phong phú và công năng cũng hết sức phức tạp. Trang bị máy này không đơn giản, phải có sự trao đổi thấu đáo với bên mua, tiêu thụ hàng để chọn máy đáp ứng được các yêu cầu đóng gói cụ thể của từng mặt hàng. Chắc chắn các DN cá, tôm ta phải chấp nhận việc trang bị các thiết bị này, chi phí không nhỏ, để duy trì cuộc đua trên thương trường. 

Tôi lưu ý tìm hiểu thông tin về diễn tiến hai vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm (CVD) và chống bán phá giá tôm (AD). Tất cả đều nói chờ đợi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đưa ra phán quyết thuế sơ bộ, khả năng đầu tháng 5 tới.

Có điểm khá lý thú là Việt Nam mang tiếng chưa có kinh tế thị trường, nhưng nhiều người đánh giá mức thuế CVD tôm Việt, nếu có, sẽ thấp nhất so tôm các nước cùng bị kiện.

Tôm Ecuador đang có giá rẻ nhất thế giới, giá bán DDP Los năm 2023, tôm nguyên con, cỡ 20/30 là 2.5 USD/LB, cỡ 30/40 là 2.2 USD/LB. Chú ý đây là 2 cỡ tôm chủ yếu của Ecuador. Nước họ thành công nhiều mặt trong ngành tôm, nếu các năm trước cỡ tôm nuôi tập trung của họ là 30-50 con/kg, thì năm 2023 chủ yếu là cỡ 20-40 con/kg. Cách mạng xanh tôm bố mẹ của họ đi ngược gió chung nhưng có thành công riêng vượt bậc. Ai đúng ai sai, không ai kết luận. Theo giá bán của họ, tôm 30 con rẻ hơn so giá tôm Việt 30-40.000 đồng/kg. Họ bán rẻ nhưng họ vẫn có lãi không nhỏ, bởi họ nuôi năng suất cao, tỉ lệ nuôi thành công gấp đôi trung bình của ta.

Cho nên, điểm khá lý thú nêu ra nữa là có người cho rằng Ecuador giả sử thuế chống bán giá tôm họ bán vào Mỹ là 15%, họ vẫn giữ được thị trường! Đây là bài học cho chúng ta, chưa hẳn bán giá thấp là bán phá giá, chưa hẳn bán giá cao hơn là không phá giá, không ai được chủ quan cả và trong bối cảnh đầy rủi ro, các DN tôm ta nên có chú ý làm tốt hơn sổ sách của mình.

Đi dạo là phần chung chung, phần thời sự hai vụ kiện là lúc mỏi chân, phải tìm nơi có chỗ ngồi, và hơn nữa phải là nơi có người có liên quan. Anh Ngô Húa, một Việt kiều tại Hoa Kỳ rất thành công trong kinh doanh cá tôm tại Hoa Kỳ, là người có tấm lòng lo lắng cho hoàn cảnh thủy sản nhà, cung cấp thông tin và góp ý rất xác đáng. Luật sư Nicely, người bạn đường tôm Việt từ khởi đầu vụ kiện tôm (2004) cũng nhiệt tình trao đổi thông tin trong suốt bữa cơm trưa tại hội chợ. Các bạn hàng lớn đều lưu tâm hai vụ kiện này, bởi có tác động không nhỏ cho thương vụ tiếp theo. Mang tiếng tự do thương mại, nay được “tự do” chờ đợi ngày phán quyết, từ DOC!

Tổng quan, hội chợ thủy sản Boston khởi đầu cho chùm hội chợ trong năm. Hội chợ này mang tính chất quan trọng hàng đầu so với các hội chợ khác, vì Hoa Kỳ chiếm thị phần tôm ta nhiều nhất. Qua đó, vì sao các DN tôm cá lớn đều có mặt ở đây, bôn ba xứ người, mưu cầu lợi ích không hẳn là cho cá nhân, DN mình. Còn việc đi dạo của tôi cũng chưa kết thúc, xin đợi bài tiếp theo!

Boston, tháng 3/2024

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Bình luận bài viết

Cùng chuyên gia