THỦY SẢN VÀ CÂU CHUYỆN THỊ TRƯỜNG NHÀ

Mỗi năm Xuân về Tết tới, người Việt khắp nơi trên thế giới nhớ về quê cha đất tổ, không hẹn, cùng nhau làm ồn ào các phi trường quốc tế hai đầu đất nước, về hưởng không khí ấm cúng, sum vầy cùng người thân trên quê hương. Cảm xúc thiêng liêng không thể phôi pha dù tuổi cao, chân chùn, sức cạn.

          Thế hệ tôi có khá nhiều bạn ở các châu lục, và tôi đã gặp gỡ nhiều bạn cũ lúc này. Sau khi tay bắt mặt mừng, hỏi nhau thích ăn gì. Dân miền Nam mà, kiếm con cá lóc đồng lớn một chút làm cá kho, canh chua, ăn cho “đã thèm”; kiếm mớ tôm sống nướng, luộc cho “tưng bừng cảm giác”; kiếm mớ rau củ hay có trong vườn nhà như bắp chuối, chuối non, cà tím, đậu bắp… làm nồi mắm kho cho thỏa tình “nhung nhớ”. Trong không gian đầy ắp tình thân, lời thật lòng thật cởi mở. Về “nhà” ăn cái gì cũng ngon, cũng ngọt, ăn quên thôi, ăn mau đến nỗi “e nuốt luôn lưỡi!”.  Thật ra ngọt, ngon một phần do cảm xúc; một phần do phù hợp khẩu vị đã là thói quen nhưng cũng có một phần do thực phẩm tươi, sạch. Con cá, con tôm đông lạnh, dịch tế bào bị đông cứng phá rách màng tế bào, dẫn tới khi rã đông chất ngọt bên trong mất phần khiến con cá, con tôm không còn ngon ngọt như mua hàng tươi, sống từ chợ về chế biến. Người tiêu dùng, ai cũng biết điều này, nhưng ở các nước tiên tiến sử dụng đồ đông lạnh là chủ yếu, do hoàn cảnh như khả năng cung ứng và giá cả hàng tươi sống và thời gian rảnh rỗi cho việc chế biến có hạn. Họ mua thực phẩm chế biến đã “ready to cook, ready to eat”, bỏ vào nồi rã đông, hâm nóng là có thức ăn tiện lợi, chỉ là thiếu phần nào đó sự ngọt, ngon!

         Người Việt mình ăn uống linh hoạt nhưng tinh tế lắm, dù thu nhập chưa cao. Ai không có thời gian, cứ vô các hệ thống bán lẻ địa phương nào cũng có, tha hồ lựa chọn. Món canh chua, món cá kho, món lẩu làm sẵn… chỉ cần đun nước và “thả” tất cả vào nồi, xong, rất đạt yêu cầu tiện ích. Có chút thời gian thì tôm, cá, mực làm sẵn đông lạnh cũng dẫy đầy, tha hồ mà chọn. Còn muốn “ăn chơi” thì há cảo, xíu mại, tôm chiên, chả cá chiên… chỉ cần bỏ vào lò vi sóng 5 phút là hương thơm tỏa lan!  Người Việt mình không quá bận rộn như người các nước tiên tiến, cho nên có thời gian cho việc lựa chọn và chế biến thức ăn sao đạt yêu cầu ngon, bổ, rẻ! Số này ra chợ truyền thống (hoặc vào hệ thống bán lẻ của các tổ chức) mua hàng tươi, thậm chí hàng sống, tha hồ mà “sáng tạo” để cả nhà cùng vui.

          Tôi nhớ có giai đoạn các phương tiện truyền thông góp sức hô hào cho cá tra “Bắc tiến”, tôi rất mong cá phi lê đông lạnh này được đón nhận sôi nổi, mở ra giai đoạn mới cho con cá có tiếng tăm là “báu vật trời cho” này. Nhưng chỉ ồn ào ngắn hạn, trong khi dân Trung và dân Mỹ lại “khoái khẩu” món cá này. Tôi có đọc dòng tin, dân Mỹ mỗi năm tiêu thụ gần 2kg tôm. Tôi cũng có đọc tin dân mình tiêu thụ mỗi năm khoảng 300.000 - 400.000 tấn tôm ở các dạng chế biến. Tính ra dân mình “sang” hơn dân Mỹ. Bởi tôm là nguồn thực phẩm tươi ngon bổ và giá… không rẻ, mà mức tiêu thụ trung bình đầu người dân mình gấp rưỡi dân Mỹ! Và dân mình còn hơn ở điểm ăn tôm toàn đồ tươi, sống ngọt ngon; dân Mỹ đa phần ăn tôm đông lạnh, đâu ngọt ngon bằng!

          Điểm đáng lưu tâm, mỗi vùng miền nước ta có nguồn thủy sản phù hợp đất, nước, thời tiết ở đó. Lâu đời, dân từng vùng miền cũng quen mắt, quen miệng với thủy sản đã có chung quanh. Nguồn thủy sản mới du nhập, có “tồn tại lâu dài” hay không tùy thuộc vào thới quen, sở thích của cư dân ở đó. Điểm lưu tâm nữa, bây giờ hệ thống giao thông cả nước khá tốt; lên tây nguyên cũng thấy bán đầy tôm tươi, cá biển tươi…

           Trở lại câu chuyện ẩm thực với các bạn Việt kiều. Họ “ganh” là dân quê nhà luôn được “ăn ngon” hơn, dù có ít tiền hơn. Câu sóng phẳng là “ráng cày thêm thời gian rồi về nước luôn, tha hồ ăn ngon mỗi ngày”, còn trước mắt là mai mua thêm cá trê vàng chiên chấm nước mắm gừng, mà phải là nước mắm “thiệt” và nồi cơm gạo thơm nhất thế giới của quê nhà. Còn mốt mua chả cá thát lát, cũng thứ thiệt không pha trộn, nấu nồi canh cải sạch trồng trong vườn và món tép đất thiên nhiên “cháy” với thịt ba chỉ… Mỗi ngày mỗi thực đơn…, quá huy hoàng!

          Quay lại câu chuyện thủy sản và thị trường nhà. “Bàn tay vô hình” đã khiến hầu hết nơi có cầu là có cung; thậm chí còn chào mời nguồn cung mới, đó là những mặt hàng thủy sản cao cấp, tập trung cho số người có thu nhập tốt như cá hồi Na Uy, cua hoàng đế Alaska, tôm hùm Canada, bào ngư, hải sâm Korea, trứng cá tầm Nga… Nói chung, xứ mình cũng ngộ, có tiền là có thể mua được rất nhiều sản vật, dù xuất xứ vô cùng xa xôi. Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, chuyên môn hóa khá cao. Như là ngành chuyên làm hàng khô, ngành chuyên môn làm mắm, ngành chuyên môn chế biến đông lạnh, ngành làm đồ hộp, ngành cung ứng thủy sản tươi sống. Lĩnh vực phân phối chia ra doanh nghiệp (DN) chuyên cung ứng hàng nội địa, DN chế biến hàng xuất khẩu, DN chuyên phân phối… Có giai đoạn DN chỗ tôi nghiên cứu thị trường nội địa và hệ thống phân phối, tiêu thụ. Cử người qua Chi cục VSATTP hỏi thủ tục đăng ký sản phẩm; cử người tìm mối làm quen hệ thống phân phối để gởi hàng tiêu thụ; cử người nghiên cứu khẩu vị vùng, miền để chế biến phù hợp… Kết luận là phải thành lập DN mới, chuyên chế biến hàng nội địa mới có thể đủ sức cạnh tranh với các DN cung ứng thủy sản nội địa đang có. Sở trường đang cần nâng cấp bản lĩnh là chế biến hàng xuất khẩu, thôi thì “đa đoan” quá chưa hẳn là hay. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Phải tùy hoàn cảnh cụ thể mà liệu tính, chớ không thể cứng nhắc. Nói vậy, chớ đâu coi nhẹ thị trường nhà và có không ít DN đi nước đôi, VASEP có Câu lạc bộ DN làm hàng nội địa từ các DN làm hàng xuất khẩu.

           Tóm lại, câu chuyện tôi dẫn dắt là từ góc nhìn chủ quan cá nhân và chỉ nhằm mua chút vui vẻ đầu năm. Thị trường nhà, trăm triệu dân là không nhỏ, lại gần. Nhưng đã chia sẻ, hàng ngàn DN chuyên chế biến thủy sản cung ứng nội địa đã quan tâm, chăm lo khá tươm tất theo cái nhìn của tôi; vì tôi hay vô siêu thị dòm ngó hàng thủy sản bày bán để cập nhật thông tin, tìm hiểu thêm về mẫu mã. Còn ai khoái bôn ba “vọng ngoại” thì cứ tiếp tục đi, cho biết đó biết đây. Mấy bạn tôi vọng ngoại khá nhiều, “cày” chi nơi xa xôi, khắp châu lục. Mà lý sự làm chi, cái gì cũng có cái lý của nó!                                                                                                                                                                                          Mùng 5 Tết Giáp Thìn.

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Cùng chuyên gia