Thời bao cấp không quan tâm, không biết khái niệm văn hóa doanh nghiệp (VHVN). Mãi sau khi đất nước đổi mới khoảng chục năm, chương trình đào tạo quản trị kinh doanh mới cập nhật. Do mới mẻ, nội dung VHDN được hoàn thiện, bổ sung từng bước. Khái quát chuyên đề này xoay quanh khái niệm, ý nghĩa, nội dung, vai trò của VHDN tác động tới tiến trình tồn tại và phát triển doanh nghiệp (DN).
Giai đoạn hội nhập mạnh mẽ, tất cả mọi lĩnh vực, mọi mặt, mọi nơi phải chuyển mình theo dòng chảy, xu thế mới; nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, tụt hậu. Khái niệm, nội dung VHDN cũng được cập nhật kịp thời, diễn đạt rất cô đọng, dễ hiểu, dễ nắm bắt và hơn hết rất thiết thực.
Chuyên gia kinh tế TRẦN SĨ CHƯƠNG trong bài phỏng vấn của nhà báo Quốc Học, đăng trên số Xuân 2024 Thời báo Kinh tế Sài Gòn (trang 60-63) chia ra hai loại văn hóa, văn hóa công và văn hóa riêng. Còn trước đây khái quát dân hóa quốc gia, vùng miền, dân tộc, tổ chức, nhóm người…
Bây giờ VĂN HÓA CÔNG là nếp sống chung mà mọi người trong một tổ chức hay một hoạt động nào đó phải tuân thủ. Còn VĂN HÓA RIÊNG phụ thuộc vào đặc thù tính cách của một dân tộc, một địa phương thì chỉ liên quan đến những nhóm người đặc thù đó. Điều không thể khác hơn trong nhận định từ trước đến nay là nếu coi DN như cái cây, thì văn hóa là cái gốc, quản trị là thân, chiến lược là nhánh. VHDN là đều kiện đủ, là yếu tố then chốt quyết định thành bại của DN. Bởi nếu không có cái gốc văn hóa tốt thì dù có quản trị tốt, có chiến lược tốt thì cái cây cũng èo uột và bật gốc hồi nào không hay.
Nội dung VHDN ông Trần Sĩ Chương nêu ra cũng gói gọn hết sức súc tích và cô đọng, thời đại hội nhập, làm ăn với nhau phải tuân thủ văn hóa công. Nền tảng văn hóa CÔNG chỉ cần thực thi hai chuyện là TUÂN THỦ PHÁP LUẬT và LÀM NHỮNG GÌ ĐÃ HỨA. Tuân thủ pháp luật là điều cơ bản nhất. Qua đó đối tác của DN mới an tâm và giảm thiểu rủi ro. Tuân thủ pháp luật, không chỉ hệ thống pháp luật của bên DN bị điều chỉnh mà còn tuân thủ pháp luật phía đối tác nếu là quan hệ kinh doanh quốc tế.
Trước đây khái niệm VHDN chung nhất, cơ bản là chuẩn mực tất cả hoạt động, thậm chí từng hành vi thành viên trong DN, thông qua hệ thống quy chế được ban hành, cập nhật và bổ sung để ngày càng hoàn thiện hơn. Trong hệ thống quy chế đó, hết sức lưu tâm trong việc chấp hành pháp luật; trong việc nỗ lực xây dựng hình ảnh, thương hiệu mà cụ thể có việc phải giữ uy tín thông qua cố gắng tối đa thực thi những gì đã hứa, đã thỏa thuận.
Tiến trình thực thi hệ thống quy chế đó dần sẽ tạo ra nếp, thói quen, quán tính… và tiến tới hình thành những giá trị là tài sản vô hình của DN. Trong đó những giá trị cao nhất được coi là giá trị cốt lõi. Hầu hết các DN đầu đàn Việt đều có tuyên bố giá trị cốt lõi của mình. Như minh bạch, chính trực, tận tâm, trung thành…
Một nội dung, tôi cho rằng hết sức thấu đáo, ông Chương đã nêu lên khái niệm VỐN XÃ HỘI. Và theo ông Vốn xã hội là lòng tin (mức độ lòng tin) giữa người và người, giữa người và hệ thống. Vốn xã hội là yếu tố nội lực quyết định sự thành công trong phát triển đất nước. Vốn xã hội được cấu thành bởi một là giá trị văn hóa truyền thống, hai là hệ thống pháp trị công minh.
Ông Chương cũng đưa ra một minh chứng sống động. Đó là ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore, bắt đầu xây dựng văn hóa quốc gia và quản lý đất nước chỉ bằng một câu: “Các doanh nhân là xương sống quốc gia. Đất nước chỉ cần anh, chị một chuyện, đó là “Nói và làm”. Quan chức cũng vậy. Dần dần tạo ra nếp sống, tạo ra lòng tin và sau cùng tạo ra vốn xã hội lớn. Ông Lý Quang Diệu đã quyết định tư duy người Singapore, nên đa số doanh nhân Singapore đi đâu cũng được tin, nói được làm được, đã đóng góp vô cùng to lớn vào sự phát triển quốc gia này.
Văn hóa quốc gia do lãnh đạo quốc gia cầm chịch, VHDN hiển nhiên do người chủ DN quyết định. Tuy nhiên, cái khó cho doanh nhân ta là Vốn xã hội của ta còn quá thấp. Thể hiện ở lòng tin đối tác, lòng tin nội bộ chưa cao và môi trường kinh doanh của ta còn quá nhiều rủi ro khiến cho Vốn xã hội hình thành càng chậm chạp.
Tóm lại theo ông Trần Sĩ Chương, hai nội dung lớn đáng lưu tâm nhất để hình thành VHDN là TUÂN THỦ PHÁP LUẬT và GIỮ VỮNG UY TÍN trong hoạt động của DN. Tuy nhiên, VỐN XÃ HỘI của ta còn thấp, ảnh hưởng quá lớn tới tiến trình xây dựng VHDN. Như vậy vấn đề xây dựng nội lực (Vốn xã hội) trở nên hết sức cấp thiết. Việc hình thành những chuẩn mực trong xã hội trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết, Nhà nước phải nhanh tay hơn thể hiện vai trò trọng trách của mình. Chậm chân thì thua thiệt.
Góc nhìn của tôi, ông Trần Sĩ Chương (và nhà báo Quốc Học) đã gửi một món quà đầu Xuân hết sức có giá trị, hết sức quý báu cho các doanh nhân không có nhiều cơ hội tiếp cận về những nội dung cốt lõi để tạo nền tảng vững chắc phát triển DN, nhất là các DN thủy sản kinh doanh quốc tế rất cần xây dựng một VHDN chuẩn quốc tế. Thiết nghĩ, các doanh nhân thủy sản chúng ta cần tìm và đọc bài viết liên quan nêu trên.
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN