Giá cước vận tải biển vẫn biến động khó lường

Giá cước vận tải biển quốc tế vẫn biến động khó lường, buộc các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu phải linh hoạt và điều chỉnh chiến lược để thích ứng.

Giá cước container quốc tế trong năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục biến động, dù khả năng tăng mạnh là không cao. Tuy nhiên, giá cước vẫn có thể leo thang vào một số thời điểm nhất định, đặc biệt là trong các mùa cao điểm hoặc khi có sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

logistics-12.jpg

Tại diễn đàn “Logistics trong bối cảnh toàn cầu” do Hiệp hội Logistics TP.HCM tổ chức ngày 15/11, bà Võ Thị Phương Lan - Phó Cchủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM cho biết, giá cước container toàn cầu, bao gồm các tuyến từ TP.HCM đi Bờ Tây Mỹ và châu Âu, đã có những biến động đáng kể trong năm qua. Năm 2025 khó xảy ra những đợt tăng giá mạnh nhưng vẫn có khả năng tăng cước vào một số thời điểm, đặc biệt khi có tác động từ các yếu tố như mùa cao điểm hoặc những sự cố làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, cạnh tranh gay gắt giữa các hãng tàu sẽ phần nào kiềm chế đà tăng này.

Các dự báo đều cho rằng, công suất vận tải toàn cầu dự kiến tăng 8%, trong khi nhu cầu chỉ tăng 3%, tạo áp lực giảm đối với giá cước. Tuy nhiên, các yếu tố như xung đột khu vực Biển Đỏ, tình trạng tắc nghẽn kênh đào Panama hay các cuộc đình công tại cảng biển sẽ tiếp tục gây gián đoạn chuỗi cung ứng và làm tăng chi phí vận chuyển. Những thay đổi này sẽ có tác động lớn đến thị trường trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo bà Phương Lan, sự xuất hiện của liên minh vận tải biển mới như Gemini Cooperation và chiến lược hợp tác của các hãng tàu lớn như MSC sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trong mạng lưới dịch vụ vận tải biển. Ngoài ra, chính sách thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc cùng với xu hướng đa dạng hóa nguồn cung đang định hình lại mô hình thương mại toàn cầu, mang đến cả cơ hội và thách thức cho ngành vận tải container.

Trên thực tế, những năm gần đây, thị trường đã chứng kiến nhiều biến động lớn. Ví dụ, năm 2020, giá cước vận chuyển container đi Bắc Mỹ dao động khoảng 2.000 USD/container, nhưng đến năm 2021, giá cước tăng vọt lên 10.000 USD, thậm chí có thời điểm đạt đỉnh 20.000 USD/container. Năm 2023, giá cước giảm sâu, tuy nhiên, đã tăng trở lại vào giữa năm 2024 lên mức 7.000-10.000 USD/container. Những thay đổi bất thường này khiến các DN xuất nhập khẩu gặp khó khăn trong việc dự báo chi phí và lập kế hoạch.

Bà Phương Lan cho rằng, sự bất ổn của giá cước vận tải biển đã làm giảm tính cạnh tranh và lợi nhuận của DN. Việc các liên minh hãng tàu lớn kiểm soát thị trường càng khiến DN Việt Nam gặp khó khăn trong việc quản lý chi phí vận tải.

Để đối phó với tình hình này, các chuyên gia và DN đã đề xuất một số giải pháp chiến lược. Cụ thể, DN cần xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với các hãng tàu lớn để đảm bảo giá cước ổn định và duy trì năng lực vận chuyển, đồng thời, số hóa và ứng dụng công nghệ thông minh vào quản lý chuỗi cung ứng để giúp tối ưu hóa chi phí.

Một giải pháp khác là đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics như nâng cấp các tuyến cao tốc, phát triển trung tâm logistics hiện đại và tăng cường kết nối đường sắt với cảng biển. Các DN cũng cần đa dạng hóa nguồn cung vận tải, giảm sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất để tăng tính linh hoạt khi thị trường biến động.

Theo các chuyên gia, biến động giá cước không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là bài toán chiến lược cho ngành logistics Việt Nam. Việc xây dựng một hệ sinh thái logistics tự chủ, giảm sự phụ thuộc vào các đối tác quốc tế, sẽ giúp DN trong nước ổn định hơn trước các biến động của thị trường toàn cầu.

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục