Tăng cường bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thủy sản

Thời gian qua, với việc giải quyết các vấn đề môi trường, ngành thủy sản phải đối mặt với không ít hạn chế và thách thức.

Ngày 20/11, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp cùng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức “Hội nghị bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản năm 2024" nhằm đánh giá kết quả bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản từ Trung ương đến địa phương, trao đổi với các bên liên quan về giải pháp triển khai hiệu quả các mục tiêu đã đặt ra tại Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng thời xác định phương hướng, ưu tiên cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường ngành thủy sản trong thời gian tới.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản
Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản chia sẻ tại hội nghị.

Theo Cục Thủy sản, sau hơn 2 năm triển khai Đề án, bước đầu đã ghi nhận một số kết quả tích cực. Các tỉnh, thành trên cả nước đều ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể của Đề án phù hợp với điều kiện của địa phương.

Các tổ chức quốc tế đã phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành xây dựng các chương trình, dự án lồng ghép các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học trong hoạt động thủy sản, góp phần phát huy các nguồn lực phục vụ sự phát triển bền vững của ngành...

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Cục Thủy sản cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng gia tăng, khó dự báo, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết các vấn đề môi trường trong hoạt động thủy sản vẫn phải đối mặt với không ít hạn chế cũng như khó khăn, thách thức, như:

Việc điều tra, đánh giá chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất thủy sản chưa được thực hiện một cách tổng thể để xác định đúng vai trò, mức độ các tác động đến môi trường, từ đó chưa có nhiều biện pháp giảm thiểu. Hệ thống, thiết bị xử lý chất thải từ hoạt động thủy sản chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức, nhất là ở quy mô nhỏ.

Việc áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng môi trường, các công cụ kinh tế còn nhiều vướng mắc, khó áp dụng trong thực tiễn và không theo kịp tốc độ phát triển nhanh của sản xuất.

Nguồn vốn tự nhiên thủy sản chưa được điều tra, đánh giá làm cơ sở hoạch định phục vụ công tác quản lý, sử dụng hiệu quả.

Các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản mới trong giai đoạn phát triển ban đầu, chưa trở thành động lực để tạo sức mạnh phát triển bền vững toàn chuỗi.

Nguồn lực (tài chính và nhân lực) cho hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản còn nhiều hạn chế.

Nhiệm vụ của ngành Thủy sản giai đoạn 2021 - 2030.
Nhiệm vụ của ngành Thủy sản giai đoạn 2021 - 2030.

Năm 2025 sẽ là thời điểm tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 911, đồng thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình triển khai Đề án.

Do đó, thời gian tới, để thúc đẩy hiệu quả bảo vệ môi trường ngành thủy sản, các bên liên quan cần tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ ưu tiên, tập trung vào một số nội dung:

Phát triển và nhân rộng các mô hình xanh, kinh tế tuần hoàn; mô hình sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải; mô hình sinh thái thân thiện với môi trường.

Quản lý tốt chất lượng môi trường (nước, chất thải…) trong các hoạt động sản xuất thủy sản, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch thủy sản.

Quan tâm sát sao các hoạt động bảo vệ môi trường tại các cảng cá và trên tàu cá.

Tăng cường nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường ngành thủy sản, bao gồm cả việc giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, nhất là sự tham gia của cộng đồng ngư dân, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực nuôi, khai thác, chế biến, hậu cần dịch vụ...

Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển bền vững ngành thủy sản như Nghị quyết 36/NQ-TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045; Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11.3.2021 của Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Đặc biệt, để giải quyết vấn đề môi trường ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29.7.2022 về Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường.

Bên cạnh đó, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học. Từ đó, nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Nguồn: laodong.vn

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục