20 năm - một chặng đường...

Tôi có chút ngỡ ngàng khi nhận cuộc gọi từ văn phòng VASEP “cô ơi 20 năm VASEP, cô viết bài nhé”. Mới đó đã 20 năm! Nhớ lại những năm 1997-1998, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của thủy sản Việt là tôm đông lạnh Block. Khách hàng hầu hết là Nhật, Hồng Công. Không ai biết thế nào thị trường thế giới là thế nào.

Có lẽ hai lời phát biểu sau, một của doanh nghiệp từ miền Trung “mình bán hàng như người mù cầm gậy quơ quơ”, hai là của một đại diện doanh nghiệp miền Bắc “Sếp bảo cứ trả lời thư bằng tiếng Việt, họ muốn mua hàng của mình thì phải đọc tiếng Việt! “phản ánh phần nào khả năng thị trường của doanh nghiệp khi đó”. Năm 1998 khi Seaquip lần đầu tiên tổ chức đoàn doanh nghiệp đi hội chợ Đại liên, Trung Quốc mới biết các Giám đốc Doanh nghiệp dù chỉ ở cách nhau vài chục cây số nhưng lần đầu tiên biết nhau.

Không có khái niệm thị trường, càng không biết thế nào là Hiệp Hội. Nên đã có nhiều cuộc Hội thảo vận động để có được hơn 70 doanh nghiệp nộp đơn tham gia Hiệp Hội.

Nhưng làm cho doanh nghiệp hiểu đã khó, thuyết phục Chính quyền cho lập Hội mới thật gian nan. Thoát thai từ chế độ bao cấp, chính quyền là quan trọng nhất. Hội để làm gì kia chứ? Cái khó đầu tiên ở ngay trong sân Bộ nhà - Thủy sản, rồi đến cấp chuyên viên Văn phòng Chính Phủ. Ban Vận động lập Hội đã đánh liều báo cáo lên Thủ Tướng Phan Văn Khải. Nhờ vào tầm nhìn xa của Thủ Tướng, lý lẽ thuyết phục của Phó Thủ Tướng Nguyễn Công Tạn trước lập luận không đồng tình của chuyên viên Pháp chế trong bối cảnh lúc đó, không có văn bản pháp luật qui định việc lập Hội. Và chỉ trước ngày Đại hội thành lập ít ngày, văn bản cho phép thành lập Hiệp hội Chế biến, Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam được ký bởi Phó Thủ Tướng Chính phủ.

Dù không ai biết công việc Hội là gì nhưng ngay khi thành lập, Ban chấp hành, Tổng Thư ký cùng với Văn phòng lập tức vào việc. Vừa tự đào tạo vừa hỗ trợ đào tạo hội viên, vừa xuất bản bản tin, tạp chí, tổ chức các Hội thảo, Hội chợ quốc tế và trong nước, rồi liên tiếp đấu tranh với những rào cản kỹ thuật phi lý của các nước nhập khẩu, vừa phản biện, góp ý kiến về chính sách với các cơ quan Chính phủ. VASEP là một trong số ít các Hiệp hội có tiếng nói mạnh mẽ với các Bộ và trở thành thành viên Ban Cải cách Hành chính của Chính Phủ. VASEP cũng là Hiệp Hội duy nhất tự đứng trên đôi chân của mình, tự xây dựng trụ sở riêng, tự trả lương cho văn phòng vài chục nhân viên, là chủ quản của một Hội chợ chuyên ngành lớn, có uy tín quốc tế của Việt nam.

Thật khó mà kể hết những kết quả 20 năm mà VASEP đã đạt được! Những kết quả này không thể tách rời sự giúp đỡ của chính phủ Đan Mạch thông qua dự án Seaquip và sự tận tâm của đội ngũ chuyên gia, nhân viên Việt Nam và quốc tế của dự án mà đứng đầu là PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng người Tổng Thư ký đầu tiên, đã khai phá và đặt nền móng cho sự phát triển của VASEP hôm nay.

20 năm nhìn lại, một câu hỏi bỗng nảy ra “ Nếu VASEP đã không được thành lập, ngành thủy sản sẽ ra sao nhỉ?” Bởi vì thủy sản là cuộc sống, nên dù thế nào nó vẫn phải sống, nhưng chắc sẽ không có được một ngành công nghiệp hiện đại, làm bất ngờ nhiều khách hàng Âu Mỹ, sẽ không có khu Việt Nam với sự tham gia của hàng trăm người tại các Hội chợ Quốc tế lớn nhất thế giới. Có thể còn nhiều thứ nữa không có như Vietfish International, như các khoá đào tạo kỹ thuật... Và cuộc đấu tranh với những chính sách cản trở doanh nghiệp phát triển, với các vụ kiện hay những rào cản kỹ thuật phi lý không biết sẽ tới đâu.

Đặt câu hỏi giả định đó là để nhắc các bạn, hãy biết trân quí tổ chức Hội của mình và tham gia tích cực để phát triển nó. Trong cuộc sống có những thứ quyết định đời sống của chúng ta, nhưng vì nó luôn sẵn có, không mất tiền lại không nhìn thấy bằng mắt thường nên không cảm thấy quí, đó là không khí, là hơi thở. Không có Hiệp Hội doanh nghiệp của bạn vẫn sống nhưng khi ốm đau, khi gặp tai hoạ, thiên tai bạn chắc chắn phải dựa vào xã hội, cộng đồng. Còn khi khỏe mạnh, không dựa vào cộng đồng bạn khó có thể đứng và phát triển mạnh trên thị trường.

Thế giới càng phát triển càng cần liên kết. Xây mới khó, phá thì dễ! Liên kết để tạo giá trị mới mới khó, mạnh ai nấy làm thì “dễ” (nhưng khó sống lâu!).

Chặng đường 20 năm là không dài, nhưng nay thời thế đã khác. VASEP đã đi trước nhiều ngành đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, khai phá thị trường, xây dựng một ngành công nghiệp chế biến hiện đại, luôn đối diện và nhiều lần thắng cuộc trong các vụ kiện phá giá, trước sự áp đặt các rào cản kỹ thuật.

VASEP sẽ làm gì để thay đổi về chất của quan hệ liên kết, đi vào thực chất và đủ sức mạnh cạnh tranh bình đẳng với thế giới? Mỗi doanh nghiệp hội viên sẽ làm gì, đóng góp thế nào để cá, tôm Việt Nam ghi dấu ấn thương hiệu trong người tiêu dùng thế giới.

VASEP sẽ ở đâu khi cuộc cách mạng 4.0, khi thời đại của IoT, người máy, blockchain đã vào đến cửa? Mong rằng thế hệ mới của VASEP sẽ tiếp nối nhiều chặng 20 năm vẻ vang như chặng đường 20 năm qua.

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Danh dự, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Nguyên Chủ tịch VASEP nhiệm kỳ I (1998-2003)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục