Tiềm năng nuôi cá đù vàng trong phòng thí nghiệm

(vasep.com.vn) Phi lê cá được nuôi trong phòng thí nghiệm có khả năng đáp ứng nhu cầu của những người yêu thích hải sản và cứu các loài động vật biển khỏi những tác động nguy hiểm của việc đánh bắt quá mức.

Cá đù vàng (Larimichthys crocea) là loài cá biển được ưa chuộng ở nhiều nước Đông Á nhờ hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Sự phổ biến của loài cá này cũng đang gây ra sự suy giảm nhanh chóng về nguồn lợi của nó.

Quần thể cá đù vàng đang giảm dần và không có dấu hiệu phục hồi. Cá đù vàng hiện được coi là loài cực kỳ nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng. 

Một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Chiết Giang của Trung Quốc (ZJU) đã đề xuất một giải pháp thú vị cho vấn đề này. Họ đã tạo ra những miếng philê cá đù vàng được nuôi trong phòng thí nghiệm đầu tiên có hương vị giống như những miếng phi lê tự nhiên của chúng.

Ngoài hương vị ngọt ngào, cá đù vàng còn được biết đến với hàm lượng đạm, vi chất dinh dưỡng cao và nồng độ axit béo omega-3 cao. Hơn nữa, khoảng 80%  khối lượng cơ thể của cá được tạo thành từ chất béo và cơ bắp. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố rằng phi lê nuôi trong phòng thí nghiệm của họ có giá trị dinh dưỡng tương tự như phi lê cá đù thật.

Chú thích ảnh

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố rằng phi lê nuôi trong phòng thí nghiệm của họ có giá trị dinh dưỡng tương tự như phi lê cá đù thật.

Khi họ so sánh miếng phi lê nuôi trong phòng thí nghiệm với miếng phi lê ban đầu, họ nhận thấy rằng cả hai miếng phi lê này đều có tỷ lệ tế bào cơ trên tế bào mỡ, tỷ lệ phần trăm nước và các thuộc tính vật lý khác giống nhau. Tuy nhiên, phi lê nuôi trong phòng thí nghiệm ít phải nhai hơn khi tiêu thụ.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra sự khác biệt đáng chú ý trong cách phân phối nước trong tế bào cơ của chúng. Họ hy vọng sẽ khắc phục được những khác biệt nhỏ như vậy bằng các nghiên cứu sâu hơn và tin rằng, “Công nghệ này có thể hỗ trợ giải quyết việc cung cấp thịt và protein động vật cho con người.” Nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn nguồn cá biển. 

Quá trình nuôi cấy tế bào mất 17 ngày để biến thành thịt cá giống như thật được nuôi trong phòng thí nghiệm. Hy vọng rằng những miếng philê cá nuôi trong phòng thí nghiệm này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục quần thể cá đù và thành công của chúng cũng sẽ mở ra cánh cửa cho các loại sản phẩm thịt biển nuôi trong phòng thí nghiệm khác.

Thuỳ Linh (Theo seafoodmedia)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục