Các đơn hàng mực, bạch tuộc ở Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản giảm do Covid19

(vasep.com.vn) Việc ban hành các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt trong tuần thứ 2 của tháng 3/2020 đã khiến NK thủy sản vào Italy giảm.

Vào 11/3/2020, Thủ tướng Italy đề nghị các quán bar, nhà hàng, cửa hàng vẫn đóng cửa trừ siêu thị, cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc. Ngày 7/3/2020, các biện pháp nghiêm ngặt khác đã lần đầu tiên được áp dụng ở khu vực Lombardy và 14 tỉnh khác của nước này.

Một công ty cung cấp mực, bạch tuộc ở Morocco cho biết công ty đã bị hủy đơn hàng đầu tiên sau khi chính phủ Italy áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus ở Lombardy.

Một nhà cung cấp tôm và cá thịt trắng đông lạnh của Tây Ban Nha cho biết chưa bị hủy đơn hàng, nguồn cung cho các hãng bán lẻ vẫn tốt.

Italy NK 4,7 tỷ EUR thủy sản mỗi năm, đây là thị trường NK thủy sản lớn thứ 2 châu Âu về giá trị.

Mực ống, mực nang đông lạnh, tôm đông lạnh và bạch tuộc đông lạnh là những mặt hàng thủy sản được NK nhiều nhất vào Italy.

Mặc dù các mặt hàng này được NK đông lạnh và có thể được lưu kho trong 1 khoảng thời gian, trong trường hợp đơn hàng bị hủy hoặc hoãn, các biện pháp kiểm kiểm dịch vẫn khiến các nhà XK lo ngại.

Một nguồn tin cho biết, các đơn hàng mực, bạch tuộc từ Italy và Nhật Bản giảm do dịch coronavirus ảnh hưởng tới ngành du lịch của cả 2 nước này. Tại Tây Ban Nha, lực mua mặt hàng này đã chững lại ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát ở Italy.

Mặc dù mùa khai thác bạch tuộc vẫn đang diễn ra ở Morocco, giá mặt hàng này vẫn cao. Việc giảm các đơn hàng cho các nhà hàng khách sạn khiến các nhà NK giảm mua.

Trên thị trường Italy, mực ống cỡ 3P hiện có giá 6,7 EUR/kg, FOB và cỡ 2P đạt 1 EUR/kg. Bạch tuộc cỡ T6 đạt 7,8 EUR/kg, T7 có giá 7,4 EUR/kg và cỡ T5 có giá 8,4 EUR/kg. Lực mua từ các nhà NK Tây Ban Nha cũng giảm một phần do các đơn hàng của họ từ Italy và các thị trường khác giảm do tác động của coronavirus. Một số nhà vận chuyển tại Tây Ban Nha hiện từ chối giao hàng cho Italy do lo ngại nhiễm bệnh.

Việc giảm khách du lịch từ Trung Quốc khiến các khách sạn ở Nhật Bản vắng khách, dẫn tới nhu cầu mực, bạch tuộc giảm. Phần lớn bạch tuộc cung cấp cho thị trường Nhật Bản được chế biến ở Trung Quốc. Các công ty lớn có thể chuyển hoạt động chế biến sang Thái Lan tuy nhiên các công ty nhỏ sẽ phải chịu thiệt hại.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục