(vasep.com.vn) Tuần trước, hai hãng tàu lớn trên toàn cầu đã quyết định kiềm giá vận chuyển đường biển vì khách hàng, người tiêu dùng, cơ quan quản lý của Chính phủ phàn nàn về việc chi phí vận chuyển hàng hoá bằng đường biển tăng phi mã. Một số chuyên gia trong ngành cho rằng điều này sẽ không giải quyết được các vấn đề thương mại cung ứng toàn cầu.
Hãng vận tải CMA GGM, công ty vận tải lớn thứ 3 thế giới, vào ngày 09/09/2021 đã thông báo trên website của mình rằng họ sẽ cố định giá giao ngay cho vận tải biển trong 6 tháng tới. Lý do cho động thái này là để ưu tiên các mối quan hệ lâu dài với khách hàng trước tình hình giá cả ngày càng tăng cao chưa từng có trong ngành vận tải biển. Giá cước giới hạn sẽ áp dụng cho đến ngày 1/2/2022. Công ty này có một đội tàu gồm 566 tàu chuyên chở container và phục vụ 420 trong số 521 cảng thương mại trên thế giới và điều hành 285 tuyến vận chuyển. Công ty này có doanh thu toàn cầu là 31,5 tỷ USD.
Động thái của các công ty này được đưa ra không lâu sau khi Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, Uỷ ban Hàng hải Liên bang Mỹ, và EU tổ chức Hội nghị Thương định các nhà quản lý toàn cầu vào ngày 07/9/2021. Họ đã thảo luận về vấn đề giá cước vận chuyển đường biển đang ở mức cao ngất trời. Ngay sau hội nghị này, CLECAT, Hiệp hội Giao nhận, Vận tải, Logistics và Dịch vụ Hải quan Châu Âu, cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 không thể là cái cớ để không hành động vào thời điểm mà sự gián đoạn và các vấn đề về kết cấu trong lĩnh vực container gây tổn hại cho rất nhiều bên trong chuỗi cung ứng. Năm ngoái, tổ chức này và Hội đồng Vận chuyển Châu Âu đã cáo buộc các hãng tàu toàn cầu trục lợi từ mức giá cắt cổ. Trên thực tế, vào tháng 8/2021, A.P Moller – Maersk cho biết doanh thu quý 2/2021 đã tăng 58% so với cùng kỳ năm 2020, tăng lên mức 14,2 tỷ USD.
Tương tự như vậy, động thái giới hạn giá giao ngay của CMA và Hapag Lloyd sẽ chỉ đảm bảo rằng họ vẫn thu được lợi nhuận từ chi phí cao dành cho khách hàng của mình. Điều này thậm chí có thể không tạo ra sự khác biệt trong các vấn đề cung cấp toàn cầu vào lúc này.
Giá vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới sẽ không giảm và điều này đang tác động tới ngành cá ngừ. Tuần trước, Chỉ số Container thế giới Drewry cho thấy giá vận chuyển giao ngay cho một trong tám tuyến đường Đông Tây chính - từ Thượng Hải đến Los Angeles đối với container 40 ft (FEU) là 11.569 USD. Mức giá này cao hơn 199% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp cá ngừ chủ yếu vận chuyển cá ngừ đóng hộp bằng container 20ft (TEUS) nhưng nó cũng sử dụng cả container 40ft và container lạnh. Theo Chỉ số vận chuyển HARPEX theo dõi hàng tuần cho thấy giá mỗi container 20ft đang ở mức cao nhất. Vào ngày 10/9/2021, chỉ số này ở mức 3.822,87 điểm, tăng gần 188% so với hồi tháng 3/2021.
Các công ty đang cố gắng cung cấp nhiều container hơn. Tháng trước, Hapag Lloyd thông báo sẽ giảm bớt tình trạng khan hiếm container rỗng bằng cách đặt thêm 75.000 TEU khô. Các TEU này sẽ được sản xuất tại Trung Quốc và giao hàng cho công ty trong quý 4/2021.
Russell Group (một tổ chức phân tích kinh doanh) ước tính tổng giá trị thương mại trị giá 90 tỷ USD có thể bị gián đoạn nếu sự chậm trễ tại các cảng Los Angeles và Long Beach của Mỹ tiếp tục kéo dài vào tháng 10. Điều này sẽ tạo ra mối lo ngại về chuỗi cung ứng cho các tổ chức và khiến nguồn cung một số hàng hóa nhất định cho người tiêu dùng Mỹ trong kỳ nghỉ lễ giảm.