Tâm sự của “Vua tàu cá” – Bùi Thanh Ninh về nghề bám biển

(vasep.com.vn) Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài trên 3.000km, với 28 tỉnh, thành ven biển. Đất nước ta có nguồn tài nguyên biển phòng phú, nhờ đó đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư ven biển. Cũng nhờ sự hỗ trợ của các vị lãnh đạo, các cơ quan ban ngành, các nhà khoa học, các DN mà các sản phẩm hải sản của Việt Nam đã được XK sang nhiều nước trên thế giới.

Chú thích ảnh

Tôi rất tiếc vì một số ngư dân vì lợi ích cá nhân mà đánh bắt bất hợp pháp đã làm ảnh hưởng tới ngành hải sản Việt Nam. Và kết quả, Việt Nam bị nhận thẻ vàng cảnh báo của EC cảnh cáo các hành vi khai thác đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Việc nhận thẻ vàng cảnh báo này đã khiến cho các ngư dân và doanh nghiệp XK hải sản gặp khó khăn và thiệt hại về kinh tế. Theo quan điểm của tôi, việc gỡ thẻ vàng EC là một bài toán khó. Tuy nhiên, nếu chính phủ, các nhà khoa học, các doanh nghiệp chế biến và XK thủy sản và hàng triệu ngư dân trên cả nước đồng lòng thì chúng ta sẽ tháo gỡ được.

Hiện trạng nghề cá hiện nay, các ngư dân đánh bắt hải sản là những cá thể riêng biệt, mạnh ai nấy làm. Do đó, rất cần có chủ trương của Chính phủ để thành lập các nghiệp đoàn, các hợp tác xã, các công ty CP khai thác hải sản… để tạo dựng một tập thể đồng nhất, có sự liên kết từ nhà nước, nhà khoa học, rồi tới các ngư dân và doanh nghiệp.

Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 08/3/2019 về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản đã góp phần lớn trong việc bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản, gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra và kiểm soát nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, chống khai thác IUU.  

Nghị định này đã giúp nâng cao trách nhiệm của các ngư dân trong việc bảo vệ và chấp hành tốt chủ trương chủ Chính phủ trong việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản và giảm thiểu những nghề hủy diệt tài nguyên thủy sản.

Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2024/NĐ-CP ngày 04/04/2024 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thủy sản. Trong đó, tại Phụ lục V của Nghị định 37/2024/NĐ-CP có đề cập đến kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên.

Theo kinh nghiệm của một người dân sống một đời bám biển với nghề đánh bắt cá ngừ, tôi thấy kích thước của cá ngừ vằn (cá ngừ sọc dưa - Katsuwonus pelamis) được phép đánh bắt trong vùng biển nước ta là 50cm (tương đương với khoảng 2,8 kg – 3kg) là không phù hợp thực tế.

Vì thứ nhất, loài cá ngừ vằn/cá ngừ sọc dưa ở vùng biển nước ta có size 300gr đến 1kg chiếm khoảng 80% và có kích thước trên 1kg chiếm khoảng 20% sản lượng đánh bắt từ trước tới nay.

Thứ hai, cá ngừ vằn là loài cá ăn nổi, được đánh bắt theo mùa từ tháng 7 tới tháng 1 năm sau. Sản lượng chiếm khoảng 80% - 90% tổng sản lượng đánh bắt 1 năm, từ tháng 2 tới tháng 6 thì không đánh bắt được loài này, chỉ có 1 số ít cá còn sót lại ở các rạn san hô. Vì cá ngừ sọc dưa là loài cá di cư theo dòng nước từ quần đảo Hoàng Sa đến quần đảo Trường Sa và sang các nước khác…

Với những lý do trên, chứng tỏ quy định về kích cỡ tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên trong Nghị định 37/2024/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tiễn và cần nhanh chóng được sửa đổi để phù hợp với thực tế và đảm bảo mùa vụ đánh bắt năm nay cho bà con ngư dân. Tôi đề xuất Chính phủ tạm thời chưa áp dụng kích thước tối thiểu cho phép khai thác với cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng và cá ngừ mặt to đối với nghề lưới vây, nghề câu cá ngừ đại dương tại vùng biển Việt Nam. Nhanh chóng có sửa đổi quy định cho phù hợp với kích thước thực tế của các loài dựa trên cơ sở khoa học, thông lệ quốc tế và thực tiễn của biển Việt Nam.

Ngành chế biến và XK thủy sản Việt Nam đã ngày càng phát triển, đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, tạo điều kiện cho nghề cá phát triển ổn định. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sức mua của DN giảm mạnh nên sản lượng đánh bắt của ngư dân không có đầu ra, ngư dân buộc phải bán tháo hay bán hải sản với giá thấp. Một số tàu đã phải tạm ngừng ra khơi vì doanh thu không đủ bù chi phí cho những chuyến biển. Vì vậy, cộng đồng ngư dân kính mong các cơ quan ban ngành tạo điều kiện và có chính sách thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Có như vậy, đời sống của bà con ngư dân mới được ổn định. Các ngư dân yên tâm bám biển.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục