Ngày 11-3, tại Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị về phát triển ngành tôm năm 2022 và ký Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2021, mặc dù ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu bất thường, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song kết thúc năm 2021, ngành tôm vẫn đạt kết quả tốt. Sản lượng tôm nuôi các loại đạt 970.000 tấn, tăng 4,3 % so với năm 2020, trong đó sản lượng tôm nước lợ đạt 930.000 tấn.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết đến nay diện tích nuôi tôm theo hình thức thâm canh và bán thâm canh của tỉnh tăng (chiếm 93,7%), trong đó nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao chiếm 9%. "Với nguồn nguyên liệu dồi dào đã góp phần thuận lợi cho các doanh nghiệp của tỉnh thu mua, chế biến, xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh năm qua gần 1,3 tỉ USD" - ông Nam cho hay.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở Bạc Liêu
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng ngành tôm ở Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Bình quân năng suất tôm cả nước khoảng 1 tấn/ha. Sóc Trăng đạt hơn 3 tấn/ha, trong khi Cà Mau chỉ đạt khoảng 750 kg/ha. Điều này cho thấy có sự chênh lệch rất lớn giữa các mô hình sản xuất. "Hiện nhiều người nuôi tôm quảng canh chưa phân biệt được thiệt hại do con giống kém chất lượng hay do môi trường nên vẫn còn ủng hộ con giống kém chất lượng có giá thấp" - ông Sử nói.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng với tỉ lệ nuôi tôm công nghệ cao chỉ đạt trên dưới 10% và còn sử dụng nhiều kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học thì chuyển từ nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh là rất nan giải. Về con giống, mặc dù Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương liên tục tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất theo kế hoạch nhưng vấn đề chất lượng, truy xuất nguồn gốc con giống vẫn chưa được giải quyết căn cơ.
"Nếu từng địa phương không hành động quyết liệt thì ngành tôm chẳng những khó phát triển mà còn thụt lùi, rất khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ USD vào năm 2025” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
(Theo NLĐ)