Đẩy mạnh nuôi tôm nước lợ trong tình hình dịch dịch COVID-19

Tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh nuôi tôm nước lợ trong những tháng cuối năm 2021 vượt kế hoạch đề ra để bù đắp thiếu hụt sản lượng của một số lĩnh vực khác thuộc ngành nông nghiệp trong tình hình dịch dịch COVID-19 phức tạp.
Đẩy mạnh nuôi tôm nước lợ trong tình hình dịch dịch COVID19
Ảnh minh họa

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trọng Thao cho biết: Tỉnh phấn đấu đạt kế hoạch sản lượng thu hoạch tôm nuôi nước lợ năm 2021 khoảng 100.000 tấn. Ngành thủy sản tỉnh phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ thực tế tình hình nuôi tôm trên địa bàn, tập trung tháo gỡ, giải quyết những bất cập, vướng mắc trong nuôi tôm, đặc biệt là chuỗi cung ứng thủy sản như: Con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, thú y… hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất để thả tôm nuôi đạt tổng diện tích 136.000 ha. Chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia thu mua, tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi đến kỳ thu hoạch; duy trì các kênh phân phối sản phẩm thủy sản, không để gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm, nhất là cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản.

Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo các tháng cuối năm 2021, sản xuất tôm nuôi nước lợ sẽ gặp nhiều yếu tố bất lợi như: Thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ bùng phát dịch bệnh gây hại tôm nuôi, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 có thể làm gia tăng nguy cơ gián đoạn các chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm thủy sản.

Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo và giá sát môi trường nước khu vực nuôi tôm nước lợ, thông tin kịp thời để người dân biết và ứng phó khi môi trường diễn biến bất lợi. Chi cục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi để có biến pháp xử lý kịp thời, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Chi cục tổ chức xây dựng các cơ sở, vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh, hướng dẫn người nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học. Kiểm soát chặt chẽ điểm giao dịch tôm giống, kiểm dịch và kích cỡ tôm giống để đảm bảo nguồn giống sạch bệnh, chất lượng phục vụ người nuôi.

Tiếp đến, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm mới hiệu quả cao, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá thành sản phẩm. Hướng dẫn cơ sở nuôi tôm nước lợ quy trình cải tạo ao đầm, lựa chọn tôm giống, mật độ thả, ương dưỡng con giống trước khi thả nuôi… Vận động, khuyến cáo người nuôi tôm tham gia tổ chức quản lý cộng đồng như: Hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tôm… để cùng quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, phòng chống dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi các mô hình sản xuất công nghệ cao, công nghệ nuôi mới, mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất để nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tôm nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và thế giới.

Ngành thủy sản tỉnh phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó, phòng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất an toàn, hiệu quả. Quản lý chặt chẽ các khâu trong chuỗi sản xuất tôm nuôi, xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại gây thiệt hại cho người nuôi tôm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối tháng 8/2021, diện tích thả nuôi tôm của tỉnh hơn 134.780/136.000 ha, gồm các loại hình nuôi công nghiệp, quảng canh - quảng canh cải tiến, tôm - lúa, với đối tượng chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh. Sản lượng thu hoạch hơn 73.450 tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.

(Theo Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục