Bình Định: Nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh: Hướng đến phát triển bền vững

Vài năm gần đây, ở lĩnh vực nuôi tôm nước lợ tỉnh Bình Định có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để “tăng tốc” phát triển bền vững hơn thì cần có thêm những giải pháp hiệu quả, tăng cường đầu tư.

Năm 2020, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh ta là 1.960 ha (tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái), do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tổng sản lượng chỉ đạt 9.300 tấn (tôm thẻ chân trắng 8.850 tấn, tôm sú 450 tấn).

Chuyển dần sang nuôi tôm bền vững

Tại Hội nghị sơ kết thực hiện 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Sở NN&PTNT tổ chức chiều 16.7, Giám đốc Sở Trần Văn Phúc cho biết: Mấy năm nay Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tăng cường hướng dẫn người nuôi tôm chất lượng cao, chuyển đổi ao hồ từ quảng canh sang thâm canh, bán thâm canh; hạn chế nuôi tôm sú, chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2021, diện tích nuôi tôm nước lợ 1.998,5 ha (chiếm 88% diện tích hiện có, tăng 2% so với cùng kỳ), tổng sản lượng 3.505 tấn (trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 3.312,7 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ).

Bình Định Nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Hướng đến phát triển bền vững
Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.

Tháng 6.2020, UBND tỉnh phê duyệt Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, với tổng diện tích 406 ha để thực hiện các hoạt động chính: Nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao khoa học công nghệ; sản xuất tôm giống; sản xuất tôm thương phẩm; nhà máy chế biến tôm. Qua đó, nhằm hình thành chuỗi liên kết trong cung ứng con giống, thức ăn, sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm thương phẩm. Hiện Sở NN&PTNT đang tập trung hoàn thành lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu nông nghiệp này.

Sáng 16.7, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Ngành tôm thời gian tới cần tăng cường ứng dụng KHKT, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao KHKT để nhân rộng các mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn và 3 giai đoạn, nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tôm tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm công nghệ cao... và các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả.

Từ hạt nhân Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trong Kế hoạch triển khai Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Định sẽ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng ở các vùng nuôi tập trung; xây dựng vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức theo hình thức HTX nuôi tôm, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm thẻ chân trắng.

Định hướng của tỉnh cũng chính là mong muốn của nhiều người nuôi tôm, ông Lê Thanh Tâm, Chi hội trưởng Chi hội nuôi tôm cộng đồng ở thôn Đông Điền (xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước), bày tỏ: Các thành viên trong Chi hội nuôi tôm ở đây có tổng cộng 43 hồ. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hơn nữa, cũng cần thêm sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc nuôi, vận chuyển tôm đi tiêu thụ; hỗ trợ, hướng dẫn thêm về kỹ thuật, công nghệ mới để người nuôi chúng tôi có thể tiếp cận, ứng dụng phát huy hiệu quả nếu phù hợp với thực tế...

Mấy năm gần đây, Sở NN&PTNT nỗ lực động viên, hỗ trợ để các hộ nuôi trồng thủy sản liên kết thành các tổ hợp tác, HTX nuôi tôm (hiện trong tỉnh chỉ có 1 HTX ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, thành lập tháng 7.2020), hình thành từng vùng nuôi tập trung có nội quy, quy chế quản lý cộng đồng nhằm tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, phòng trừ dịch bệnh, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua, tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích khoảng 106/116,34 ha, cụ thể: Hoàn thành 10 nhà màng nuôi tôm; 40 nhà lưới nuôi tôm. Triển khai nuôi tôm thẻ chân trắng với năng suất 40 tấn/ha/vụ. Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng Phòng Nuôi trồng Thủy sản (Chi cục Thủy sản), do ảnh hưởng dịch Covid-19, DN còn e ngại chưa đẩy mạnh đầu tư để nuôi tôm công nghệ cao nhiều hơn, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm thẻ chân trắng công nghệ cao cũng đã đạt 650 tấn. Đặc biệt, việc tỉnh ta cho thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành đã góp phần thúc đẩy lĩnh vực nuôi tôm nước lợ trong tỉnh tiến thêm một bước dài.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) về diện tích mặt nước và sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2020 của 29 tỉnh, thành trong cả nước, với 2.359 ha, sản lượng 9.300 tấn, tỉnh Bình Định xếp thứ 20/29 về diện tích và 13/29 về sản lượng. Thống kê cho thấy chưa hẳn địa phương diện tích lớn hơn nhiều thì đi liền với sản lượng cũng vậy, mà quan trọng là hiệu quả nuôi. Chẳng hạn, tỉnh Thừa Thiên- Huế diện tích nuôi 3.089 ha, sản lượng 6.400 tấn; tỉnh Thanh Hóa diện tích nuôi 4.100 ha, sản lượng 8.500 tấn. Trong khi đó tỉnh Quảng Ngãi nuôi 480 ha, sản lượng 5.632 tấn; TP Đà Nẵng nuôi 40 ha, sản lượng 1.000 tấn...

(Theo báo Bình Định)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục