Cổ phiếu ngành thủy sản kỳ vọng vào quý cuối của năm

Yếu tố mùa vụ tiêu thụ trong quý 4 khiến các doanh nghiệp trong ngành thủy sản vẫn kỳ vọng về đích kế hoạch kinh doanh năm nay.

Phần lớn cổ phiếu ngành thủy sản - như ANV, MPC, ASM, IDI, CMX - đã giảm mạnh trong vòng một tháng qua. VHC là ngoại lệ duy nhất trong nhóm cổ phiếu ngành thủy sản khi giá kết phiên hôm 9/11 chỉ giảm nhẹ so với thời điểm cách đây một tháng. Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán cùng các yếu tố bất lợi của ngành trong vài tuần qua là lý do khiến nhóm cổ phiếu ngành thủy sản lao dốc.

Kết quả tích cực về doanh số 9 tháng đầu năm

Báo cáo tài chính quý 3 của các doanh nghiệp thủy sản cho thấy nhiều điểm sáng trong ngành. Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) ghi nhận doanh thu hợp nhất quý 3 đạt 3.261 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 460 tỷ đồng, tăng trưởng 46% về doanh thu và 79% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Theo giải trình của Vĩnh Hoàn, lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhờ giá bán tăng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 10.755 tỷ đồng và 1.815 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 69% và 180% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Vĩnh Hoàn đã thực hiện 83% kế hoạch doanh thu và vượt hơn 13% kế hoạch về lợi nhuận cả năm.

Đối với Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), doanh thu và lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 lần lượt đạt 1.752 tỷ đồng và gần 80 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 8% và 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, Sao Ta đạt doanh thu 4.491 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 240 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.

Tính đến hết tháng 9, Thực phẩm Sao Ta đã hoàn thành 85% kế hoạch năm về doanh thu và 77% kế hoạch lợi nhuận.

Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt (mã ANV) cho biết, trong quý 3, lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng 133 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng cao. Cụ thể, doanh thu hợp nhất quý 3 của Thủy sản Nam Việt đạt 1.238 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 119 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 13 tỷ đồng (giai đoạn Công ty chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19). Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Công ty đạt 3.752 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 567 tỷ đồng, tăng 660% so với cùng kỳ.

Sao Ta

Riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) có kết quả kinh doanh quý 3 kém tích cực so với các doanh nghiệp cùng ngành. Cụ thể, doanh thu trong kỳ đạt 2.422 tỷ đồng, giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 197 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm, 9 tháng đầu năm, doanh thu của Minh Phú vẫn tăng trưởng nhẹ, đạt 7.258 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 488 tỷ đồng, tăng gấp 4,4 lần so với cùng kỳ.

Kỳ vọng cán đích lợi nhuận trong quý 4

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), 3 tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp ngành thủy sản đối mặt với không ít khó khăn. Nhiều khoản chi phí tăng, kéo theo giá thành sản phẩm tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản trên thị trường xuất khẩu. Nửa đầu năm, giá nhiên liệu tăng cao dẫn đến 40 - 50% số tàu khai thác hải sản của Việt Nam phải nằm bờ tác động trực tiếp đến nguồn nguyên liệu đầu vào của các nhà máy chế biến thủy sản, giảm khoảng 70 - 80% so với trước.

Một khó khăn khác mà doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt là thủ tục chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều bất cập, tính đến tháng 10/2022, EU vẫn chưa gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam.

Về tình hình kinh doanh quý 4, Thực phẩm Sao Ta cho biết, do ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu nên doanh số của Công ty sẽ khó tăng mạnh, nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm đề ra.

Nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản đã chớp thời cơ thuận lợi trên thị trường xuất khẩu để tăng trưởng bứt phá trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là những doanh nghiệp cá tra - sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam và đang chi phối tới 95% nguồn thịt cá trắng toàn cầu.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta cho biết, lạm phát khiến sức tiêu thụ giảm, khủng hoảng khí đốt và năng lượng khiến chi phí lưu kho ở Tây Âu cao. Những bất lợi này cộng với sức cầu suy giảm trong bối cảnh lạm phát khiến doanh nghiệp thủy sản gặp khó, thậm chí khó khăn này sẽ kéo dài tới giữa năm sau.

Chủ tịch Sao Ta cũng nhấn mạnh, những doanh nghiệp ngành tôm đã và đang gặp khó, nhất là những doanh nghiệp có vốn nhỏ.

Mặc dù đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song với nền tảng kinh doanh tích cực trong 3 quý đầu năm cộng với yếu tố mùa vụ tiêu thụ trong quý 4, các doanh nghiệp trong ngành vẫn kỳ vọng về đích kế hoạch kinh doanh năm nay.

Với riêng Thủy sản Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp đầu ngành cá tra được Công ty Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACBS) đánh giá tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số trong năm 2023, nhưng ở mức hợp lý hơn. ACBS dự phòng doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn ước đạt 20.536 tỷ đồng trong năm sau, tăng hơn 34% so với năm nay.

Trong tháng 10/2022, giá nguyên liệu tiếp tục xu hướng tăng (tăng gần 38% so với cùng kỳ đối với cá tra nguyên liệu và tăng hơn 12% so với cùng kỳ đối với cá giống). Chu kỳ tăng mang tính thời vụ được dự báo có thể kéo dài đến tháng 5/2023. Điều này sẽ giúp VHC hưởng lợi, duy trì giá trị trung bình cao.

Tại thị trường Mỹ, thị trường xuất khẩu chính của VHC, doanh nghiệp có khả năng đàm phán giá bán trung bình cao cho năm 2023 dựa trên giá nguyên liệu tăng và vị thế của VHC ở thị trường này. Biên lợi nhuận gộp của VHC được kỳ vọng đạt 19,3% trong năm 2023, do việc mở rộng diện tích ao nuôi mới từ năm 2020 sẽ giúp VHC chủ động được 70% nguồn nguyên liệu.

Bảo Ngọc (Theo Tài chính doanh nghiệp)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục