Xuất khẩu hải sản Việt Nam sang Nga không ổn định

(vasep.com.vn) Từ 2008 - 2018 , XK hải sản Việt Nam sang Nga tăng từ 28 triệu USD năm 2008 lên 47,4 triệu USD năm 2018. Giá trị XK hải sản từ Việt Nam sang Nga trong giai đoạn này không ổn định.

Các sản phẩm hải sản Việt Nam XK sang Nga bao gồm cá ngừ, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc đông lạnh, surimi và một số mặt hàng cá biển đông lạnh khác (cá tầm, cá thờn bơn, cá trích, cá mòi đông lạnh và ướp lạnh), cá dưới dạng cá nguyên con/phi-lê, nhuyễn thể dưới dạng sống, tươi, ướp lạnh, đông lạnh…

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU - bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) được ký kết ngày 29/5/2015, và có hiệu lực từ ngày 05/10/2016. Đây cũng là FTA đầu tiên của EAEU. Trong khối EAEU, Việt Nam chủ yếu XK hải sản sang Nga, XK hải sản Việt Nam sang các nước còn lại trong khối không đáng kể.

Theo cam kết của EAEU cho NK thủy sản từ Việt Nam, tỷ lệ dòng thuế cắt giảm là 100% trong đó 95% tỷ lệ dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn với lộ trình 10 năm. 75% tỷ lệ dòng thuế được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Theo cam kết của EAEU cho các sản phẩm hải sản của Việt Nam XK sang khối này, các sản phẩm cá ngừ mã HS 030487 được giảm thuế từ 10% xuống 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, các sản phẩm cua (HS 030614) giảm từ 10% xuống 0%, surimi (HS 030499) giảm từ 10% xuống 0%, các sản phẩm mực, bạch tuộc chế biến (HS 160552, 160553, 160554, 160555, 160556) giảm từ 15% xuống 0%, các sản phẩm mực, bạch tuộc (HS 0307) giảm theo lộ trình tuy nhiên năm 2019 cơ bản giảm xuống còn khoảng 1,7%. Mặc dù, XK hải sản sang thị trường Nga vẫn tăng trưởng sau khi FTA này có hiệu lực, tuy nhiên, các DN Việt Nam vẫn trông đợi vào một sự ổn định hơn tại thị trường này.

Khai thác hải sản của Nga giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ đang có xu hướng tăng, đặc biệt với các loại cá biển nguyên con/philê, cá chế biến thành surimi nên đây cũng là cơ hội cho XK hải sản của Việt Nam.

XK hải sản Việt Nam sang Nga trong 3 tháng đầu năm nay cũng có dấu hiệu tích cực với kim ngạch đạt 14,9 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để thúc đẩy XK sang Nga, DN cần chú trọng công tác bảo đảm uy tín và chất lượng sản phẩm trong XK sang thị trường này, nghiên cứu việc kết nối với các Trung tâm thương mại của Việt kiều tại Nga để tăng cường giới thiệu và quảng bá trực tiếp sản phẩm Việt Nam đến người tiêu dùng.

Hiện nay, XK hải sản sang Nga còn chiếm thị phần rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng XK của Việt Nam. Nên với những ưu đãi từ FTA VN-EAEU, hy vọng XK hải sản Việt Nam sang Nga sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục