Doanh nghiệp thủy sản trước cơ hội bứt tốc

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 307 nghìn tấn, đạt 2,41 tỷ USD, tăng 18,5% về lượng và tăng 38,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021...

Kết quả xuất khẩu thủy sản ba tháng đầu năm cho thấy ngành thủy sản Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh với nhiều nhà cung cấp thủy sản đã chuyển hướng thành công các chiến lược kinh doanh, hướng đến các kênh bán lẻ và thương mại điện tử để tăng cường kết nối và mở rộng khách hàng.

Đặt mục tiêu tăng trưởng cao 

Sau quý 1/2022 hồi sinh mạnh mẽ, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang mới đây đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 2022 với các chỉ tiêu đồng loạt tăng tốc. Theo đó, doanh thu thuần dự kiến đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 20% và lãi trước thuế đạt 200 tỷ đồng, gấp bốn lần năm trước.

Tương tự, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI), cho biết công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 900 tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Hiện IDI ký đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý 2 năm nay. Đồng thời, đơn vị cũng đã chuẩn bị kho hàng dự trữ lên đến 1.400 tỷ đồng cá tra cho đợt nhu cầu thị trường phục hồi này, đặc biệt là với hai thị trường lớn là Mexico và Brazil.

Còn lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty, thừa nhận rằng ngoài thị trường Trung Quốc gặp khó do theo đuổi chính sách Zero Covid, thì các thị trường còn lại như EU, Mỹ... đều tăng trưởng tốt với mức tăng tới 30%. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn khác như Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), hay Vĩnh Hoàn, cũng lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số. Báo cáo sơ bộ hai tháng đầu năm của các doanh nghiệp này cũng chỉ ra nhiều mảng màu tích cực. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn, cho biết hiện công suất của các nhà máy đã trở lại như trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh đó, công ty chưa nhìn thấy có bất kỳ nguy cơ rủi ro nào khiến hoạt động sản xuất bị ngưng trệ do tỷ lệ tiêm vaccine tại các nhà máy khá cao. 

Nguồn nước cấp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt cũng có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung và giá nguyên liệu đầu vào của ngành tôm.
Nguồn nước cấp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt cũng có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung và giá nguyên liệu đầu vào của ngành tôm.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng gặp một số thách thức. Đầu tiên, hiện giá cước vận tải biển ở nhiều tuyến còn cao hơn mức đỉnh của năm ngoái và dự kiến còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. “Việc đặt được chỗ trên tàu để xuất khẩu hàng hiện nay là đáng lo nhất. Các hãng tàu cho biết là đang thiếu container, thiếu chỗ trên tàu”, một doanh nghiệp tại Cà Mau chia sẻ. 

Bên cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, nguồn nước cấp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt cũng có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung và giá nguyên liệu đầu vào của ngành tôm trong thời gian tới. Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ năm ngoái, đẩy chi phí nuôi cá tăng cao, cộng với việc nhiều hộ nuôi cá tra đã không thể thả nuôi theo đúng kế hoạch mùa vụ năm nay cũng có thể khiến doanh nghiệp không đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng.

Đó là chưa kể tuy đơn hàng nhiều, song nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại phải đối mặt với việc thiếu lao động trầm trọng. “Hiện các địa phương đều có khu công nghiệp với nhiều nhà máy dệt may, da giày, do đó người lao động có nhiều lựa chọn. Cùng với đó, công việc trong ngành thủy sản có đặc thù là đứng nhiều, môi trường nhiệt độ thấp... nên khá vất vả, nhiều lao động đã chuyển ngành nghề khác khiến việc tuyển dụng càng khó khăn hơn”, ông Ong Hàng Văn thông tin.

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý 2 này sẽ tiếp tục tăng, trong đó chỉ riêng cá tra có thể tăng trên 50% so với cùng kỳ 2021. Do vậy nhu cầu về lao động sẽ tiếp tục tăng nóng trong thời gian tới.

Cần tận dụng các lợi thế 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, xuất khẩu thủy sản quý 1/2022 đạt kết quả cao nhất so với quý 1 hàng năm từ trước tới nay, báo hiệu một năm xuất khẩu thủy sản có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại do nhu cầu tiêu dùng thủy sản toàn cầu có thể sẽ chững lại với tác động của lạm phát và tình trạng khó khăn trong hoạt động vận chuyển.

Doanh nghiệp thủy sản trước cơ hội bứt tốc - Ảnh 1

Dự đoán, xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 sẽ tiếp tục bị tác động bởi chiến sự Nga – Ukraine, nhưng vẫn có động lực tăng trưởng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, khi hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đã trở lại trạng thái bình thường. Do vậy, dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 vẫn duy trì tăng trưởng 25% đạt 934 triệu USD. Theo đó, xuất khẩu cá tra vẫn tăng 80% và tôm sẽ tăng 20%, cá ngừ tăng 18%, mực, bạch tuộc tăng 25%...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản của các thị trường đang rất cao, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Do đó, ngành nông nghiệp đang chỉ đạo các địa phương phải giữ được nguồn cung nguyên liệu thủy sản cho chế biến, xuất khẩu trong bất cứ hoàn cảnh nào. Việt Nam lợi thế là có sản lượng khai thác và nuôi trồng rất lớn, khi các thị trường thiếu hụt nguồn cung thì chúng ta hoàn toàn chủ động hàng hóa để xuất khẩu, nhất là thị trường EU, Hoa Kỳ và Nga.

Về phía doanh nghiệp, sau thời gian dài sản xuất cầm chừng, đây là cơ hội để doanh nghiệp khôi phục sản xuất nên các doanh nghiệp sẵn sàng tận dụng mọi lợi thế để đưa doanh số đi lên. Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) khi dòng thuế quan ưu đãi đang rất tốt, nhân cơ hội này chúng ta đẩy mạnh tất cả các mặt hàng vào các thị trường.

Sau thời gian dài sản xuất cầm chừng, đây là cơ hội để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tận dụng mọi lợi thế để đưa doanh số đi lên.
Sau thời gian dài sản xuất cầm chừng, đây là cơ hội để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tận dụng mọi lợi thế để đưa doanh số đi lên.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, hơn 85% lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp hiện nay phụ thuộc vào các cảng TP.HCM và Vũng Tàu, lượng còn lại đi qua các cửa khẩu miền Bắc và miền Trung. Theo tính toán của các doanh nghiệp thủy sản, một năm các doanh nghiệp thực hiện khoảng 120.000 tờ khai hải quan xuất khẩu thủy sản. Với số lượng hàng thủy sản xuất khẩu lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh các công tác hậu cần, khó khăn hiện nay doanh nghiệp quan tâm lớn nhất là chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu.

Ngoài chi phí container, các doanh nghiệp mong muốn có giải pháp hữu hiệu để giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến các cảng xuất khẩu. Hàng thủy sản hầu hết là đông lạnh, việc vận chuyển phải đảm bảo thời gian, có được hóa đơn xuất khẩu nhanh chóng. Nếu có được hệ thống cảng tốt, đón được tàu container sẽ giúp giảm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.

Phương Linh

(Theo vneconomy.vn)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục