Cơ hội xuất khẩu cá tra tăng mạnh, nhưng chế biến gặp khó khăn

Xuất khẩu cá tra có nhiều cơ hội khi từ quý II/2021 đơn hàng tăng mạnh tạo đà cho sản xuất cuối năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang rất khó khăn.
Cơ hội xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhưng chế biến gặp khó khăn
Xuất khẩu cá tra nhiều đơn hàng nhưng các doanh nghiệp chế biến đang gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.

Nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ xuất khẩu

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ quý II/2021, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường như: Mỹ, Brazil, Mexico, Thái Lan, Canada, Colombia, Nga, Các Tiểu vương quốc Ảrập (UAE)… bắt đầu tăng tích cực trở lại.

Trong khi đó, xuất khẩu cá tra trong nửa đầu năm 2021 rất thuận lợi, tăng trưởng tới 14,6% về lượng và tăng 17,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe thông tin: "Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cá tra của Việt Nam được xuất khẩu tới 96 thị trường và hai khu vực thị trường ASEAN và EU, với 388,7 nghìn tấn, trị giá 783,043 triệu USD".

Dự báo xuất khẩu cá tra của Việt Nam quý III/2021 sẽ tăng trưởng tốt do nhu cầu thế giới tăng và nguồn cung cá tra của Việt Nam ổn định, nếu tình hình dịch COVID-19 không gây ảnh hưởng quá lớn tới các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra ở phía Nam. Những thị trường đang có tín hiệu phục hồi mạnh là Mỹ, Trung Quốc, Anh và Nga.

Tại Cần Thơ, diện tích thả nuôi cá tra hiện đạt trên 548ha, đạt 74% so với kế hoạch cả năm là 736ha. Hiện nay, nguồn cung cá tra cho xuất khẩu đang dồi dào nhưng nhà máy chế biến cũng ngưng hoặc tạm ngưng mua nguyên liệu. Điều này dẫn tới giá cá giảm so với tháng trước đó.

Tĩnh Vĩnh Long cũng có khoảng trên 334ha ao nuôi cá tra. Mặc dù diện tích nuôi thả đã giảm 12,2ha nhưng nguồn nguyên liệu cá tra phục vụ xuất khẩu cũng rất dồi dào.

Khó khăn trăm bề bủa vây doanh nghiệp

Theo VASEP, mặc dù nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều quốc gia đang tăng lên, đặc biệt là sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm, tiếp thêm năng lượng và niềm hi vọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong hai quý cuối năm.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã lan rộng từ TPHCM xuống các tỉnh miền Tây trong thời gian ngắn. Mặc dù đã tính toán trước kịch bản sẵn sàng ứng phó trong tình huống này nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra không tránh khỏi bị động và ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tại Đồng Tháp, tính tới giữa tháng 8.2021, giá cá tra nguyên liệu đã giảm xuống còn 20.500–21.500 đồng/kg. Trong khi chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu khoảng 22.500 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ 900-1.400 đồng/kg.

Tại Vĩnh Long, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra ngưng hoạt động hoặc giảm công suất nên giá cá tra nguyên liệu tại Vĩnh Long cũng giảm mạnh.

Rào cản lớn nhất hiện tại đối với mặt hàng cá tra xuất khẩu đó chính là khả năng kiểm soát dịch ở các tỉnh phía Nam, cụ thể là ở các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động với phương án sản xuất “3 tại chỗ” song cũng phát sinh nhiều bất cập và đề nghị được sự hỗ trợ hơn nữa từ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để hoạt động sản xuất của doanh nghiệp không bị gián đoạn. Chỉ khi doanh nghiệp chế biến cá tra khôi phục lại sản xuất, tăng công suất trở lại bình thường thì giá cá tra nguyên liệu mới có thể tăng.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Vasep, hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trên 50% số nhà máy chế biến khu vực phía Nam đã dừng hoạt động hoàn toàn từ gần 1 tháng nay. Số doanh nghiệp còn lại thì chỉ duy trì công suất được khoảng 30-40%, trong khi nhu cầu nhập khẩu của thế giới là có.

"Nếu khách quốc tế bỏ sang thị trường khác, nông dân không nuôi thả thì cuối năm chẳng có nguyên liệu, vật tư, bao bì... thì lấy đâu ra nguyên liệu để chế biến" - ông Nam nêu vấn đề.

Vì vậy, theo Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam, các vấn đề khó khăn về chế biến, xuất khẩu sẽ được khắc phục nếu như chiến dịch tiêm vaccine được triển khai nhanh và kịp thời trước 31/8/2021.

(Theo báo Lao Động)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục