Trung Quốc: Sản lượng tôm chân trắng giảm

(vasep.com.vn) Theo một khảo sát chính thức, sản lượng tôm chân trắng tại các trại nuôi ở các vùng nuôi chính ở Trung Quốc giảm 30-40% trong năm 2016 do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh trong khi nhiều người bỏ nuôi.

Sản lượng ở các trại nuôi tại tỉnh Quảng Đông, vùng nuôi tôm lớn nhất của Trung Quốc, giảm mạnh nhất 41% so với năm 2015.

Bên cạnh ảnh hưởng của bão, dịch bệnh, nguồn tôm giống bố mẹ chất lượng thấp; tỉnh Quảng Đông còn phải đối mặt với một số lượng lớn người nuôi tôm bỏ việc.

Theo khảo sát, năm 2016, sản lượng tôm chân trắng ở tỉnh Quảng Đông giảm 41% (tương đương 142.000 tấn) so với năm 2015. Năm 2015, tỉnh này sản xuất được 346.000 tấn tôm chân trắng.

Bên cạnh tỉnh Quảng Đông, các trại nuôi ở tỉnh Phúc Kiến và Giang Tô cũng giảm mạnh sản lượng tôm chân trắng trong năm 2016.

Nằm ở phía đông Trung Quốc, tỉnh Phúc Kiến bị thiệt hại nặng nề bởi những trận lụt lớn vào giữa tháng 6 và tháng 7 và các trận bão lớn (Meranti và Megi) trong tháng 9. Kết quả là, sản lượng tôm chân trắng ở tỉnh này năm 2016 giảm 30% (tương đương 20.700 tấn) so với năm 2015.

Không giống tỉnh Quảng Đông, diện tích nuôi tôm ở tỉnh Phúc Kiến không bị giảm. Do vậy, người nuôi tôm ở tỉnh này có thể nuôi được nhiều tôm cỡ lớn hơn và tôm có giá thị trường cao hơn.

Năm 2016, giá tôm trung bình ở tỉnh Phúc Kiến đạt 58,4 NDT/kg (khoảng 8,4 USD/kg) so với 40,1 NDT/kg tại tỉnh Quảng Đông.

Tỉnh Giang Tô có sản lượng tôm chân trắng giảm 31% (tương đương 8.600 tấn) so với năm 2015 do lũ lụt. Tỉnh Quảng Tây, nằm ở phía tây của tỉnh Quảng Đông , có sản lượng tôm chân trắng giảm 5%. Do chủ yếu sản xuất tôm cỡ lớn nên sản lượng của tỉnh này giảm tới 11.200 tấn.

Mặt khác, sản lượng tôm chân trắng ở 2 tỉnh Sơn Đông và Hà Bắc (nằm ở phía bắc Trung Quốc) tăng lần lượt 56% và 23% so với năm 2015. Nguyên nhân là do ở các tỉnh phía bắc, tôm có xu hướng được nuôi trên quy mô công nghiệp để tôm dễ dàng thích nghi với diễn biến thời tiết trong năm.

Gần đây, xuất hiện nhiều tôm cỡ nhỏ được bán với giá rẻ tại các chợ tôm trong khu vực tại Trung Quốc. Hiện tượng này là do tôm được thu hoạch sớm để tránh dịch bệnh bùng phát.

Tuy nhiên, theo khảo sát, giá tại đầm đối với tôm nguyên con tăng ở 5 trong 6 khu vực tại Trung Quốc. Ở tỉnh Quảng Đông, giá tôm trung bình tăng 3,1%; tỉnh Quảng Tây, giá tăng 15%; tỉnh Sơn Đông, giá giảm 7,4%; giá ở tỉnh Phúc Kiến tăng 4,5%; tỉnh Giang Tô, giá tăng 4,4% và tỉnh Hồ Bắc giá tăng 14,9%.

Bối cảnh trên khiến Trung Quốc ngày càng gia tăng NK tôm từ các khu vực khác trên thế giới.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục