Nam Phi kiểm tra khuẩn tả trên tôm Ấn Độ

(vasep.com.vn) Theo hãng tin Business Standard, các nhà chức trách Nam Phi đã giữ lại khoảng 100 container sản phẩm tôm từ Ấn Độ để kiểm tra vi khuẩn tả. Mặc dù Nam Phi chỉ chiếm 1-2% tổng XK tôm của Ấn Độ, đây là thị trường trọng tâm của các nhà XK Ấn Độ.

Chủ tịch Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (MPEDA) cho biết, cơ quan này đang cố gắng tìm hiểu vấn đề này. Một nhóm các giới chức của MPEDA đã sang Nam Phi để xác nhận phương pháp kiểm tra của Nam Phi.

Các giới chức này cho biết, các phương pháp kiểm tra phát hiện vi khuẩn ở Ấn Độ không cho thấy sự xuất hiện của vi khuẩn tả. Nam Phi có thể đang thực hiện các phương pháp kiểm tra khác với Ấn Độ.

Thông tin này đã ít nhiều tác động tới tâm lý các nhà XK Ấn Độ trong bối cảnh EU mới đây tăng cường các quy định kiểm tra các sản phẩm thủy sản nuôi dùng làm thực phẩm từ Ấn Độ.

EU thắt chặt quy định kiểm tra thủy sản nuôi Ấn Độ

Các nhà XK tôm Ấn Độ có thể tìm tới các thị trường thay thế sau khi EU mới đây đã thắt chặt các quy định kiểm tra các sản phẩm thủy sản nuôi dùng làm thực phẩm từ Ấn Độ.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà XK thủy sản Ấn Độ (SEAI) cho biết, rào cản từ EU sẽ không đáng lo ngại với các nhà XK thủy sản Ấn Độ vì lực mua từ EU ít hơn so với các thị trường khác như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Các nhà XK có thể bị mất khoảng 10 vạn rupee (tương đương gần 34 triệu đồng Việt Nam) với mỗi container bị trả về.

Theo quy định mới của EU, các nước thành viên sẽ kiểm tra ngẫu nhiên ít nhất 50% lô hàng NK từ Ấn Độ tại các trạm kiểm tra ở biên giới EU so với 10% trước đây. EU đã áp dụng quy định kiểm tra mới sau khi kết quả phân tích được thực hiện tại các phòng thí nghiệm chính thức cho thấy tồn dư các chất chloramphenicol, tetracycline, oxytetracycline, chlortetracycline và nitrofurans trong các sản phẩm thủy sản nuôi từ Ấn Độ không tuân thủ đúng quy định của EU.

Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực áp dụng các biện pháp để chấm dứt tình trạng này.

EU là thị trường NK tôm lớn thứ ba của Ấn Độ với tỷ trọng về giá trị chiếm 20,7% sau Mỹ (28,5%) và Đông Nam Á (24,6%).

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục