Dù bị xáo trộn do Covid-19, Indonesia vẫn tăng xuất khẩu tôm sang Mỹ

(vasep.com.vn) Mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây xáo trộn thị trường tôm Indonesia và một số thị trường NK chính của nước này, tuy nhiên XK tôm của Indonesia vẫn tăng tốt trong tháng 4/2020. Tháng 4/2020, Indonesia XK 22.729 tấn tôm, tăng 40% so với tháng 4/2019 và tăng 20% so với tháng 3/2020. Bốn tháng đầu năm nay, XK tôm của Indonesia tăng so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ tăng XK sang thị trường Mỹ.

XK tôm Indonesia tăng có liên quan tới lễ hội Ramadan (diễn ra từ 23/4 đến 23/5). Các nhà XK tôm Indonesia tăng cường mua hàng càng nhiều càng tốt trước khi dịp lễ diễn ra, khiến giá XK trung bình giảm mạnh.

Giá XK trung bình trong Q1/2020 giảm nhẹ từ 8,58 USD/kg trong tháng 1 xuống 8,48 USD/kg trong tháng 3 và giảm xuống 7,89 USD/kg trong tháng 4, giảm gần 7% so với tháng 3. Giá trị XK tôm Indonesia 4 tháng đầu năm nay đạt 637 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2019.

XK tôm Indonesia sang Mỹ tăng nhờ sản phẩm tôm XK chính của Indonesia là tôm bóc vỏ đông lạnh và tôm giá trị gia tăng đang có nhu cầu cao ở Mỹ. XK tôm Indonesia sang EU cũng dự đoán tăng. Doanh số bán lẻ các sản phẩm tôm dễ chế biến tăng nhanh ở Châu Âu, các nhà NK ở Châu Âu gặp khó khăn trong hoạt động NK do tác động của dịch Covid-19 nên Indonesia có cơ hội tăng XK các sản phẩm tôm giá trị gia tăng và tôm thịt đông lạnh sang EU.

Trong tổng cơ cấu sản phẩm tôm XK của Indonesia, XK tôm chân trắng bóc vỏ, hấp chín (mã HS0306) tăng mạnh. Tổng khối lượng XK sản phẩm này trong tháng 4/2020 đạt 12.530 tấn, tăng 28% so với tháng 3/2020.

Phần lớn các sản phẩm tôm mã HS1605 là tôm chân trắng, chủ yếu là các sản phẩm tôm hấp và bóc vỏ, tôm bao bột và các sản phẩm giá trị gia tăng khác. XK nhóm mặt hàng này tiếp tục tăng. Tháng 4/2020, khối lượng XK nhóm mặt hàng này đạt trên 6.022 tấn.

Một số hộ nuôi tôm tại Indonesia đã bắt đầu thu tỉa tôm trong tháng 6, thời điểm thu hoạch rộ diễn ra vào tầm cuối tháng 6, đầu tháng 7 và đợt thu hoạch thứ 3 dự kiến bắt đầu từ tháng 9 trở đi. Giá tôm trong tháng 6 tương đối ổn định và có xu hướng tăng nhẹ. Hoạt động thả nuôi cũng tăng nhờ giá tôm ổn định và nhu cầu tôm giá trị gia tăng và tôm thịt đông lạnh tăng ở Mỹ. Tuy nhiên, vì người nuôi tôm Ấn Độ cũng dự kiến thu hoạch vào tháng 9 nên có thể giá sẽ giảm vì Indonesia và Ấn Độ đều là đối thủ cạnh tranh trên thị trường Mỹ.

Về vấn đề tôm giống, nhu cầu tôm post khá cao do hoạt động thả nuôi tăng. Tuy nhiên, nguồn cung tôm bố mẹ vẫn hạn chế. Từ tháng 4/2020, các chuyến bay giảm do dịch Covid nên hoạt động NK tôm giống bố mẹ từ các nhà cung cấp chính từ Hawaii, Texas và Florida bị đình trệ. Các trại ương giống ở Indonesia cũng đã bắt đầu tự sản xuất tôm bố mẹ để khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung này.

Trước đó, thị trường Trung Quốc có dấu hiệu hồi phục, một số nhà XK tôm Indonesia hi vọng thị trường này có thể tiêu thụ được số lô hàng tôm xuất sang Mỹ bị hủy do Covid-19. Tuy nhiên, XK tôm Indonesia sang Trung Quốc không khả quan hơn do thị trường này vẫn chịu tác động nhiều của dịch bệnh nên các nhà XK Indonesia tiếp tục tập trung vào thị trường Mỹ (thị trường NK lớn nhất). Với tình hình cung cầu hiện tại, giá tôm có thể vẫn thấp hơn dự kiến, nhu cầu tôm thịt đông lạnh và các sản phẩm giá trị gia tăng sẽ vẫn tiếp tục tăng vì thị trường Mỹ ưa chuộng các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến để phục vụ các bữa ăn nhanh gọn.

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục