Châu Á: Nguồn cung tôm cỡ lớn hạn chế

(vasep.com.vn) Đầu năm 2016, ngành tôm nuôi ở châu Á bị ảnh hưởng đáng kể bởi hạn hán, dịch tôm chết sớm (EMS) và thẻ vàng từ châu Âu.

Phần lớn tôm nguyên liệu được cung cấp bởi Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ trong khi Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu cung cấp tôm chế biến.

Đầu năm nay, Việt Nam chịu tác động bởi hạn hán làm tăng độ mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Một số ao nuôi bị bỏ trống do thiếu nước và lo ngại dịch bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tăng XK tôm trong quý đầu năm nay chủ yếu nhờ nhu cầu tăng từ Mỹ và Trung Quốc. Giá XK tăng từ 4-5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở Ấn Độ, tháng 4 và tháng 5 là thời điểm tạm dừng khai thác tôm tự nhiên như tôm biển, tôm nâu và tôm thẻ, do vậy giá sẽ tăng. Tôm cỡ lớn có nguồn cung hạn chế.

Một nhà NK cho biết họ muốn NK tôm tự nhiên cỡ lớn khoảng 11-15 và 8-12 con/kg tuy nhiên nguồn cung không đủ.

Đối với tôm nuôi, hiện đang là thời gian tạm dừng giữa các vụ. Hoạt động nuôi tôm sẽ bắt đầu trở lại trong tháng 4 và giá có thể sẽ ổn định với các cỡ trên 11-15. Nhiều khách hàng đang chuyển sang nhập tôm chân trắng cỡ 11-15 thay vì tôm sú vì lý do giá cả.

Ở Nhật Bản, đồng yên mạnh lên đầu năm 2016 làm tăng nhu cầu NK tôm của nước này. Yên ở mức yếu 121 yên/USD trong tháng 1 năm nay tuy nhiên tăng lên 108 yên/USD vào 11/4/2016. Do yên giảm giá nên giá tôm tính bằng yên tăng cao trong năm 2015, dẫn tới nhu cầu giảm. Tuy nhiên, tỷ giá yên hiện tại tăng sẽ kích thích lực mua của các nhà NK Nhật Bản. NK của nước này trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 3 giảm so với năm tài chính trước đó tuy nhiên đồng yên mạnh có thể đảo chiều xu hướng này.

Thái Lan tiếp tục thiếu nguyên liệu đáp ứng cho các cơ sở chế biến do sản lượng tôm phục hồi chậm sau dịch EMS.

Bên cạnh dịch bệnh, ngành tôm Thái Lan còn phải đối mặt với “thẻ vàng” cảnh cáo từ EU và cáo buộc sử dụng lao động nô lệ trong các xưởng chế biến tôm. Thẻ vàng tiếp tục được duy trì trong tháng 1/2016 mà chưa có giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này. Nếu nguồn cung phục hồi, Thái Lan sẽ tăng XK sang Nhật Bản, đặc biệt khi các nhà NK châu Âu quay lưng lại với nước này.

EMS cũng tiếp tục ảnh hưởng tới tôm nuôi ở Indonesia sau khi dịch bệnh này khiến một loạt ao nuôi lớn bị bỏ hoang năm 2013.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục