Bangladesh tập trung sản xuất tôm sú

(vasep.com.vn) Bangladesh đang tập trung sản xuất tôm sú ngay cả khi đối thủ cạnh tranh, Ấn Độ đang đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn tôm chân trắng.

Mặc dù Bangladesh chủ yếu sản xuất và cung cấp tôm sú nhưng nước này vẫn muốn sản xuất cả tôm chân trắng trong tương lai để duy trì sức cạnh tranh trên thế giới.

Hiện Chính phủ Bangladesh chưa cho phép sản xuất tôm chân trắng. Năm 2012, Chính phủ nước này lên kế hoạch cho phép sản xuất tôm chân trắng vì các nhà XK thực phẩm đông lạnh của nước này cho rằng sản lượng tôm sú của Bangladesh không thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu với tôm chân trắng, có năng suất cao và giá cả vừa phải tuy nhiên kế hoạch này chưa được thông qua.

Ông Md Tariqul Islam Zaheer, Chủ tịch Hiệp hội các nhà XK thực phẩm đông lạnh Bangladesh đưa ra một số lý do tại sao Bangladesh vẫn chỉ tập trung nuôi tôm sú mà chưa cấp phép cho nuôi tôm chân trắng.

Nuôi tôm ở Bangladesh nhìn chung theo phương pháp quảng canh trong khi nuôi tôm chân trắng cần phương pháp thâm canh, phương pháp này chưa phổ biến ở nước này. Nuôi tôm chân trắng có nguy cơ dịch bệnh cao hơn tôm sú.

Theo Ahmed, tôm sú là loài bản địa nên có nhiều cơ hội để phát triển. Hầu hết tôm sú được nuôi dựa vào nguồn thức ăn và quy trình nuôi tự nhiên nên chất lượng cao. Trong khi giá 1 kg tôm sú là 16,5 USD/kg, giá tôm chân trắng khoảng 15 USD/kg.

Mặc dù giá tôm sú cao hơn nhưng nhu cầu mặt hàng này vẫn cao trên thị trường thế giới. EU là thị trường NK chính trong đó Đức, Hà Lan, Pháp và Bỉ là những nước NK lớn nhất trong khối.

Tuy nhiên, vì giá thấp và nhu cầu cao đối với tôm chân trắng, các nước khác như Ấn Độ tập trung sản xuất tôm chân trắng thay vì tôm sú. Ấn Độ sản xuất chỉ gần 90.000 tấn tôm chân trắng trong năm 2008-2009. Cuối năm 2015, sản lượng loài này tăng gấp 5 lần đạt 497.622 tấn và đặt mục tiêu 1 triệu tấn năm 2020.

Năm 2008, tôm sú là sản phẩm chính của ngành tôm nuôi Ấn Độ trong khi tôm chân trắng chưa được chú trọng. Đến năm 2015, tôm chân trắng chiếm ưu thế trong khi tôm sú giảm sản lượng xuống mức tương đương năm 2008.

Mặc dù tôm chân trắng phổ biến hơn do năng suất cao và giá phải chăng nhưng tôm sú cũng rất được ưa chuộng nhờ chất lượng. Trong khi sản lượng tôm sú ngày càng giảm ở các nước khác thì tôm sú vẫn chiếm tỷ trọng chính ở Bangladesh. Với kế hoạch chú trọng phát triển tôm sú, Bangladesh coi đây là thế mạnh của mình trong chiến lược cạnh tranh trên thị trường tôm thế giới.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục