Ngành thủy sản đang trong tình trạng bế tắc, bởi không chỉ xuất khẩu liên tục suy giảm cả về giá và sản lượng, mà sản xuất, chế biến trong nước cũng đang phải chịu gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác…
Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy: xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 đạt 810 triệu USD, giảm hơn 28% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt trên 2,6 tỷ USD, giảm hơn 36% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường xuất khẩu chủ lực sụt giảm mạnh
Theo VASEP, nếu như trong giai đoạn 2015-2020, Hoa Kỳ luôn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của thủy sản Việt Nam, thì đến các năm 2021, 2022 đã tụt xuống vị trí thứ hai sau Trung Quốc. Đến nay, thị trường Hoa Kỳ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm. Các gia đình Hoa Kỳ đã quá “ngao ngán” với thực trạng giá thực phẩm lên quá cao. Giờ đây, người dân Hoa Kỳ đã tính tới việc cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, họ mua ít hàng tạp hóa không thiết yếu hơn, mua số lượng lớn và các sản phẩm không có thương hiệu và tập trung vào các mặt hàng chủ lực. Một số người thậm chí còn mua và ăn ít hơn. Người tiêu dùng đang tìm cách chỉ chi tiêu cho những hàng hóa mà họ thực sự cần.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP, tình trạng đó khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ duy trì mức giảm sâu 51% trong tháng 4/2023, khiến Hoa Kỳ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ chỉ đạt 418 triệu USD, giảm trên 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc dù có tín hiệu tốt hơn, nhưng vẫn chưa ghi nhận được tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm.
"Nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Tính đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 435 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước".
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP.
|
Hai thị trường lớn đều sụt giảm nên xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến doanh số chỉ đạt chưa đầy 600 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu tôm cũng bị tác động mạnh bởi sụt giảm sang thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ. Tính đến hết tháng 4/2023, giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 891 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số các mặt hàng hải sản xuất khẩu, mực và một số loài cá biển khác (trừ cá ngừ) có chiều hướng tích cực hơn trong tháng 4/2023. Cụ thể, xuất khẩu các loài cá biển khác tăng 9%, xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 3%. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 36%, các loài hải sản khác đều sụt giảm với tỷ lệ 2 con số.
Với Hàn Quốc và Nhật Bản, hai thị trường này đều có giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức độ sụt giảm ít hơn so với Mỹ và Trung Quốc. Xuất khẩu tôm sang những thị trường này giảm được bù đắp bằng doanh thu từ hoạt động gia công chế biến xuất khẩu các mặt hàng hải sản cho các nhà chế biến, kinh doanh hải sản nước ngoài.
Theo bà Lê Hằng, từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản cũng như các chương trình giao thương trong nước, hy vọng sẽ tăng thêm các kết nối và thu hút được bạn hàng nhiều hơn trong thời gian tới và từ đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần. Tuy nhiên, ngành thủy sản đang trông chờ một “bệ đỡ” để trụ vững trong năm 2023 và có đà hồi phục trở lại khi thị trường tiêu thụ tốt hơn.
Doanh nghiệp rơi vào thế "gọng kìm"
Thị trường xuất khẩu suy giảm, thiếu đơn hàng đã khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn. Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (VinaCleanfood), cho biết trong 4 tháng đầu năm 2023 số lượng đơn hàng của doanh nghiệp giảm hơn 30%. Doanh nghiệp đã phải co kéo bằng cách cho người lao động nghỉ luân phiên và giảm hơn 40% giờ làm, kéo theo giảm 40% thu nhập. Doanh nghiệp cũng phải giảm hơn 1.000 lao động trong số hơn 4.000 lao động.
“Không chỉ thị trường tiêu thụ thủy sản sụt giảm, mà thời gian gần đây, các mặt hàng tôm, cá tra, cá basa còn phải cạnh tranh gay gắt với một số nước có nguồn nguyên liệu giá rẻ như Ấn Độ, Indonesia, Ecuado”, ông Phục nêu thực tế.
Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Thủy sản Cafatex (Cần Thơ), hiện nay doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng xuất khẩu do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao. Tại các nước vốn là thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp, có hiện tượng người dân cắt giảm chi tiêu khiến hàng tồn kho của doanh nghiệp còn nhiều dẫn đến giá cá, tôm giảm mạnh từ 20 - 30% so với cuối năm 2022, dù đã giảm giá, nhưng vẫn rất khó xuất khẩu.
Trong khi đó, tháng 5 là thời điểm bắt đầu vào vụ khai thác, đánh bắt thủy hải sản với số lượng nhiều thì việc tiêu thụ còn khó khăn hơn nữa, lượng hàng tồn kho nguy cơ còn gia tăng...
Theo Vn Economy