Tình hình nhập khẩu thủy sản Mỹ chưa khả quan hơn

(vasep.comm.vn) Trong bản cập nhật ngành cho quý II năm 2023 vừa được công bố, nhóm cố vấn của Viện Thực phẩm Nông nghiệp Wells Fargo gồm 11 thành viên cho biết triển vọng ngành thuỷ sản Mỹ năm 2023 là không đồng đều. Báo cáo tập trung vào nhập khẩu tôm và cua tuyết.

Dựa trên báo cáo IBISWorld tháng 2/2023, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người được dự đoán sẽ tăng 0,6% hàng năm trong khi giá tăng ở mức 1,1% hàng năm do nhu cầu tăng trưởng.

Tuy nhiên, dữ liệu IRI cho thấy xu hướng doanh số bán hàng và giá trị thủy sản giảm trên toàn bộ lĩnh vực bán lẻ trong quý 1 năm 2023. Trong 12 tháng kết thúc vào ngày 4/12/ 2022, 21% người mua sắm đã giảm lượng cá và thịt tươi mà họ mua và chuyển từ sản phẩm cao cấp sang sản phẩm thay thế rẻ hơn.

Giá thực phẩm bán lẻ tiếp tục tăng làm doanh số hải sản tươi sống năm 2022 giảm 7,1% xuống còn 6,5 tỷ USD; doanh số bán hải sản đông lạnh cũng giảm 2,8% xuống còn 7,1 tỷ USD. 

Trong số 7/10 mặt hàng thuỷ sản bán lẻ hàng đầu đều ghi nhận doanh số quý I 2023 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Dựa trên dữ liệu này, có vẻ như ngành đã đạt đến điểm uốn khi lạm phát giá thực phẩm gia tăng cùng, kết thúc thời kỳ giá cả ổn định và lãi suất gần bằng 0 đã làm thay đổi mô hình tiêu thụ thủy sản ở cả ngành bán lẻ cũng như  các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Giá tôm giảm 17% trong 15 tháng

Chú thích ảnh

Giá tôm tại Mỹ đã giảm 17% trong 15 tháng, nguyên nhân chủ yếu do khối lượng nhập khẩu tăng

Giá tôm tại Mỹ đã giảm 17% trong 15 tháng. Sự thay đổi này chủ yếu do khối lượng nhập khẩu tôm hàng năm của Mỹ tăng, tăng 7% vào 2020 và 20% vào năm 2021.85% lượng tôm tiêu thụ ở Mỹ là tôm nhập khẩu. 

Lượng tôm nhập khẩu đáng kể này đã phần nào làm tăng tồn kho. Sau đại dịch Covid, Mỹ tiếp tục tăng nhập khẩu tôm trong khi nhu cầu tiêu thụ yếu càng làm trầm trọng thêm tình trạng tồn kho cao.  

Kết quả, thị trường bắt đầu điều chỉnh giá tôm xuống thấp hơn. Đối mặt với thị trường đang yếu đi, các nhà nhập khẩu Mỹ buộc phải cắt giảm đáng kể lượng nhập khẩu do những trở ngại về giá thấp hơn, khả năng lưu trữ hạn chế, chi phí cấp đông cao hơn và chi phí vốn ngày càng tăng. Với nhu cầu dự kiến vẫn ở mức hiện tại, kỳ vọng các nhà sản xuất toàn cầu sẽ tìm cách điều chỉnh sản xuất nhằm nỗ lực nâng giá cao hơn.

Ngoài tôm, các nhà phân tích cũng đánh giá tình hình nhập khẩu cua tuyết Canada của Mỹ khá tiêu cực. Các lô hàng nhập khẩu và giá giảm do lượng hàng tồn kho giá cao dư thừa từ 2021 cùng việc “ồ ạt” nhập khẩu cua từ Nga trong nửa đầu 2022 trước khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực. 

Chú thích ảnh

Ngoài tôm,  tình hình nhập khẩu cua tuyết Canada của Mỹ khá tiêu cực

Doanh số bán động vật có vỏ trong năm 2022 có mức giảm tổng thể là 19% về doanh số bán hàng so với năm trước, trong đó cua và các loài động vật có vỏ có giá trị cao khác giảm ở mức cao nhất. Cua giảm 18%, tôm giảm 21%, sò điệp giảm 36%, tôm hùm giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, trái ngược với nhận xét của các nhà phân tích Wells Fargo, Mỹ đã nhập khẩu 35.441 tấn cua tuyết trị giá 459,2 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 24% về lượng 28.575 tấn mặc dù thấp hơn 38% về giá trị. 

Ngoài ra, giá bán buôn đang dần tăng lên trong thời gian gần đây. Vào ngày 17/8, giá bán buôn trung bình trong khoảng 5,75 USD-6,00USD/pao cho cua loại 5-8 oz đông lạnh từ NL, tăng hơn nhiều so với mức 5,00-5,20 USD/pao được công bố vào ngày 15/6.

Thuỳ Linh (Theo undercurrentnews)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục