Nhập khẩu thuỷ sản của Nga năm 2022 có thể giảm 1/3

(vasep.com.vn) Theo nghiên cứu của Hiệp hội những người đánh bắt cá minh thái, nguồn cung thuỷ sản nhập khẩu vào Nga vào năm 2022 sẽ giảm 1/3 do các lệnh trừng phạt.
Nhập khẩu thuỷ sản của Nga năm 2022 có thể giảm 13
Nhập khẩu thuỷ sản của Nga năm 2022 có thể giảm 1/3

Dự kiến, nhập khẩu cá vào Nga sẽ giảm 28-35% so với năm 2021. Vào cuối năm nay, nguồn cung các sản phẩm cá sẽ giảm xuống còn 385.000 tấn (1,5 tỷ USD). Năm 2021, con số này là 579.000 tấn (2,1 tỷ USD).

Tỷ trọng nhập khẩu nhiều nhất là cá hồi Đại Tây Dương và cá hồi, chiếm khoảng 17% khối lượng (100.000 tấn vào năm ngoái). Các mặt hàng quan trọng khác bao gồm tôm đông lạnh (86.100 tấn), cá thu (77.300 tấn) và cá trích đông lạnh (55.700 tấn).

Hiệp hội cá minh thái tin rằng, nhập khẩu thuỷ sản năm 2022 giảm có thể tương đương với mức sụt giảm sau lệnh cấm vận của Nga đối với nhập khẩu các sản phẩm từ Mỹ và các nước châu Âu, bao gồm cả cá từ Na Uy và Iceland. Quyết định này được đưa ra nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt liên quan đến việc sáp nhập Crimea vào năm 2014. Vào thời điểm đó, lượng thuỷ sản nhập khẩu đã giảm khoảng một nửa so với lượng mà Nga nhập khẩu vào năm 2013.

Năm 2022, NK có thể giảm một lần nữa do việc ngừng cung cấp từ các quốc gia không thân Nga, cũng như từ những quốc gia tự hạn chế xuất khẩu các sản phẩm cá sang Nga - năm ngoái họ chiếm 35% khối lượng nhập khẩu và 24% giá trị NK.

Chủ tịch Hiệp hội Aleksey Buglak lưu ý rằng, trong tháng 3/2022, một số nhà cung cấp thuỷ sản hàng đầu cho thị trường Nga đã quyết định hạn chế các lô hàng XK. Trong số đó có các công ty từ Quần đảo Faroe và Greenland, và nguồn cung từ New Zealand cũng có thể gặp rủi ro.

Nghiên cứu cũng chỉ ra là các yếu tố khác có thể dẫn đến giảm nguồn cung - đó là giá thuỷ sản nhập khẩu tăng do đồng rúp mất giá, sự phân bổ lại nhu cầu trong giỏ hàng tiêu dùng, khó khăn về hậu cần khi một số hãng vận tải rút khỏi thị trường Nga và chi phí vận chuyển tăng, cũng như khả năng thất bại trong việc dàn xếp với các nhà cung cấp nước ngoài do các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga.

Buglak cho biết, thiếu hụt nguồn cung tôm, cá trích Đại Tây Dương và cá thu có thể được thay thế một phần bằng các sản phẩm nội địa, mặc dù có thể khác về chất lượng so với hàng nhập khẩu. Theo Hiệp hội cá minh thái, các vấn đề có thể nảy sinh khi thay thế một số mặt hàng, ví dụ như cá hồi Đại Tây Dương ướp lạnh, cá ngừ đông lạnh, cũng như một số loại cá đông lạnh.

Cơ quan Liên bang về Thủy sản cho biết, 2 tháng đầu năm nay, nhập khẩu thuỷ sản vào Nga đã giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 84.320 tấn. Họ cho rằng thị trường trong nước sẽ được "cung cấp đầy đủ với nhiều loại sản phẩm thuỷ sản" do tỷ lệ đánh bắt khả quan, sản lượng cá, các sản phẩm cá chế biến và đóng hộp tăng, cùng với sự phát triển của nuôi trồng thủy sản.

Trước đó, các nhà chế biến cá của Nga đã yêu cầu chính phủ hạn chế xuất khẩu thuỷ sản để dành cung cấp cho thị trường nội địa, chủ yếu là các loại cá phổ biến và giá cả phải chăng: cá trích, cá thu, cá minh thái, cá hồi hồng và cá tuyết.

Xin mời đăng ký Báo cáo chuyên đề: "Xung đột Nga - Ukraine: Đánh giá tác động đối với thương mại thuỷ sản Việt Nam" để biết thêm chi tiết về thương mại thuỷ sản Việt Nam với 2 thị trường và ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine đối với XK thuỷ sản của Việt Nam.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục