Dịch bệnh Covid-19 đang khiến cho xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn không chỉ sang Trung Quốc mà cả nhiều thị trường khác.
Ùn tắc tại các cảng Trung Quốc
Dịch bệnh Covid-19 đã làm xáo trộn lớn tới nền kinh tế Trung Quốc. Tiêu thụ thủy sản ở nước này cũng suy giảm đáng kể do người tiêu dùng hạn chế tới các chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng… Logistics cũng bị tác động không nhỏ bởi dịch bệnh. Chính vì vậy, đang xảy ra tình trạng ùn tắc tại nhiều cảng biển nước này do chậm giải phóng các kho hàng lạnh.
Theo Bộ Công thương, thông tin từ Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc), cho hay, các kho hàng lạnh tại Thiên Tân và Thượng Hải (2 trong số các cảng lớn trên thế giới), hiện đang đầy hàng. Do đó, các công ty vận tải cập cảng Thượng Hải có thể phải nộp phí tắc nghẽn hoặc được chuyển sang các cảng khác ở Trung Quốc. Cục Hàng hải Trung Quốc đề nghị các công ty vận chuyển nên gửi container đến các cảng ở Shekou, Ninh Ba, Taican hoặc các nơi khác, tạm thời đến ngày 28/2.
Sự tắc nghẽn ở các cảng Trung Quốc đang ảnh hưởng lới tới xuất khẩu thủy sản của nhiều nước. Peru thông báo tạm thời ngừng xuất khẩu. Các nhà xuất khẩu tôm của Ấn Độ đã buộc phải tìm thị trường khác để xuất khẩu lượng tôm dư thừa. Chile cũng tạm dừng xuất khẩu cá hồi, dù Trung Quốc là thị trường lớn thứ 5 của cá hồi Chile với kim ngạch 274 triệu USD trong năm 2019.
Xuất sang Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong quý I
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo Bộ Công thương, tháng 1/2019, giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chiếm 10% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Nhưng trong tháng 1/2020, tỷ trọng đã giảm xuống còn 8,9%.
Covid-19 tại Trung Quốc đã có tác động đến xuất khẩu thủy sản đầu năm nay. Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này giảm từ 10% trong tháng 1/2019, xuống còn 8,9% trong tháng 1/2020. Từ tháng 2, tác động của dịch đến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ rõ nét hơn.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu đất liền chiếm khoảng 16% về lượng và 19% về trị giá. Do đó, chỉ tính riêng xuất khẩu thủy sản theo đường biên giới đất liền, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc có khả năng giảm khoảng 20% về trị giá mỗi tháng trong thời gian chưa kiểm soát được dịch do tác động hạn chế giao thương.
Bên cạnh đó, hiện tượng dồn ứ hàng tại các cảng biển của Trung Quốc, cùng với tác động của Covid-19 đến kinh tế và tiêu dùng thủy sản của nước này, sẽ khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc có thể giảm mạnh trong quý I/2020.
Không chỉ xuất khẩu tới Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản nói chung trong thời gian tới nhiều khả năng cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, mà trước hết là phải cạnh tranh gay gắt hơn tại nhiều thị trường khác. Bởi các nước khác cũng gặp khó khăn khi xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc nên cũng đang đẩy mạnh khai thác các thị trường ngoài Trung Quốc, nhất là những thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngoài việc giành được đơn đặt hàng mới, các mặt hàng thủy sản nhiều khả năng sẽ chịu áp lực giảm giá.
Vẫn có cơ hội
Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhưng cũng là nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (đạt giá trị xuất khẩu hơn 20 tỷ USD năm 2017). Covid-19 sẽ khiến cho xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc gặp khó khăn lớn và có thể bị suy giảm đáng kể, làm cho thị trường thế giới sẽ tạm thời thiếu hụt nguồn cung với nhiều mặt hàng thủy sản.
Vì vậy, đây cũng có thể là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng cơ hội, đa dạng thị trường xuất khẩu, bù đắp lại phần bị sút giảm khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt là cơ hội từ thị trường EU. Việc Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn ngày 12/2/2020, kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội không nhỏ đối với ngành thủy sản Việt Nam. Bởi sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, một số sản phẩm thủy sản chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến…
Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%; các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%... Đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh, được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp, sau khi Trung Quốc khống chế được dịch bệnh, nhập khẩu thủy sản chắc chắn sẽ tăng mạnh nhằm bù đắp lượng thiếu hụt lớn do khó khăn về nhập khẩu trong những tháng đầu năm. Một điều cần lưu ý là người Trung Quốc từ nay có thể sẽ giảm tiêu thụ đồ tươi sống vì e ngại dịch bệnh, thay vào đó là tăng sử dụng các sản phẩm chế biến sâu, đảm bảo an toàn thực phẩm.
(Theo NNVN)