Xuất khẩu thủy sản: Tập trung nâng cao chất lượng, giá trị

Là một trong những ngành hàng xuất khẩu trọng điểm, thủy sản Việt Nam đã có mặt tại 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 thị trường tiêu thụ lớn là Liên minh châu Âu - EU, Mỹ và Nhật Bản với hơn 60% sản lượng xuất khẩu của cả nước. Đáng lưu ý, dư địa trong lĩnh vực này còn rất lớn, đòi hỏi ngành thủy sản có giải pháp tích cực nhằm tăng năng suất, chất lượng, gia tăng sản phẩm chế biến, nâng cao giá trị.

Chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn

Theo thống kê của Bộ NN& PTNT, thủy sản là một trong những ngành có mức tăng trưởng cao. Quý I-2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,7 tỷ USD. Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu, chiếm hơn 53% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta.

Ngoài ra, từ đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản tới các thị trường truyền thống và thị trường mới đều có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, tại thị trường Mexico tăng hơn 32,4%, Canada tăng gần 28%, Mỹ tăng 24,9% và Anh tăng khoảng 16,5%.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, thủy sản là một trong những nhóm hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao, trong đó có nhiều mặt hàng đã và đang khẳng định vị thế tại một số thị trường lớn. Đặc biệt, "dư địa" đối với thủy sản Việt Nam còn rất lớn. Cụ thể, mặt hàng cá tra đang từng bước khẳng định vị thế tại nhiều thị trường thế giới. Tại thị trường Mỹ, Việt Nam đang chiếm 90% thị phần xuất khẩu cá tra và có thể tăng cao trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tôm - mặt hàng chiến lược của thủy sản Việt Nam cũng đang gia tăng mạnh kim ngạch tại nhiều thị trường như: Hàn Quốc, ASEAN... Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định: "Tới đây, ngành tôm Việt Nam sẽ có điều kiện để đột phá trong xuất khẩu tới 28 nước châu Âu do thuận lợi về thuế quan khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực cùng những tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ khi cơ quan chức năng nước này đã xem xét thuế chống bán phá giá tôm lần thứ 12 thấp hơn trước đó...". Mặt khác, từ đầu năm 2019, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội khả quan cho ngành thủy sản Việt Nam.

Cùng với lợi thế về thị trường, sản lượng thủy sản từng bước tăng lên. Năm 2019, ngành thủy sản dự kiến tổng sản lượng đạt khoảng 8,08 triệu tấn, tăng 4,2% so với năm trước. Đây sẽ là nguồn cung dồi dào, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Kiểm soát tốt chất lượng

Bên cạnh lợi thế, thủy sản Việt Nam cũng đang chịu nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, vấn đề chất lượng, tạp chất, kháng sinh trong thủy sản là cản trở lớn nhất đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân nêu ý kiến: Cùng với chất lượng thì ngành thủy sản cần sớm khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu trong sản xuất. Việc bị động do thiếu nguyên liệu không chỉ làm khan hiếm hàng mà còn dẫn đến các hệ lụy về chất lượng không bảo đảm, xuất khẩu thô… Dù được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về thủy - hải sản, nhưng đến nay, Việt Nam chưa khai thác tốt lợi thế này do ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, đánh bắt, chế biến... còn hạn chế.

Để khắc phục tồn tại, ngành thủy sản cần sớm quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, xác định những mặt hàng mũi nhọn, trọng điểm để đầu tư và phát triển; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào nuôi trồng và chế biến.

Theo đó, toàn ngành cần nâng cao chất lượng khai thác. Đối với sản xuất, cần tổ chức lại theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi; ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, vận chuyển, bốc dỡ, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm… Một vấn đề quan trọng là cần thực hiện nghiêm các quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng” của EU; giải quyết hài hòa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế.

Đặc biệt, ngành thủy sản cần phát triển mạnh nuôi trồng các sản phẩm chủ lực, trọng tâm là nuôi tôm, cá tra và ngành công nghiệp nuôi biển; phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến thủy sản theo công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của các thị trường: EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia… và phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, với ngành hàng tôm, để đạt mục tiêu giá trị xuất khẩu trong năm 2019 là 4,2 tỷ USD, ngành thủy sản xác định diện tích nuôi tôm sú năm 2019 duy trì khoảng 620.000ha với sản lượng khoảng 330.000 tấn.

Trong năm 2019, ngành sẽ gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu đối với tôm thẻ chân trắng. Năm 2019, diện tích nuôi tôm chân trắng được quy hoạch khoảng 105.000ha với sản lượng khoảng 530.000 tấn. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhằm mục tiêu đạt 4,5 tỷ USD từ xuất khẩu tôm vào năm 2020.

"Đối với vấn đề kháng sinh, tạp chất, chất lượng thủy sản, Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ nhằm sớm chấm dứt tình trạng này. Đồng thời, Bộ cùng các đơn vị liên quan rà soát nguồn lực, thế mạnh từng sản phẩm, từng địa phương để từ đó tạo quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu theo hướng bền vững" - Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

(Theo Hà Nội Mới)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục