Nhiều chuyên gia thương mại dự báo, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là mặt hàng tôm và cá tra sang thị trường Trung Quốc có thể bật tăng trở lại sau dịch COVID-19. Do đó, cần sẵn sàng nguồn hàng.
Cá tra và tôm-sản phẩm xuất khẩu chủ lực sau dịch COVID-19
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, mặc dù đang trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, nhưng từ tháng 2.2020, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đã khởi động trở lại, hoạt động xuất khẩu đang dần trở lại bình thường.
“Chỉ trong nửa đầu tháng 3.2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đã gần 13 triệu USD, tăng 1 triệu USD so với cả tháng 2.2020 trước đó. Nếu tốc độ xuất khẩu tăng như dự đoán, một số doanh nghiệp các tra tự tin nhận định rằng, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong các tháng tới có thể tăng 40-50%” – thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết.
Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang xoay quanh mức trên dưới 18.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng đã bắt đầu ổn định dần trong 2 tháng trở lại đây.
Trong tháng 4.2020, có thể tại một số thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu cá tra vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn, nhưng những động thái khởi sắc từ một số thị trường lớn giúp cho các doanh nghiệp có thể nhận ra những tích cực trong thời gian tới đây.
Tôm và cá tra là 2 mặt hàng thủy sản chiến lược xuất khẩu sang Trung Quốc
Chủ động nguồn hàng để xuất khẩu ngay sau khi hết dịch
“Tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã có kết quả tích cực, các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục các hoạt động sản xuất như trước khi có dịch” – ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết.
Dù mặt hàng tôm xuất khẩu ở các thị trường chủ lực đang biến động, nếu người nuôi tôm cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cầm cự này bằng cách duy trì nuôi ở mức độ nào đó, để cầm cự đến tháng 6-7.2020 khi thị trường hồi phục, thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm.
Sở Công Thương tỉnh An Giang nhận định: Thủy sản đông lạnh là một trong những mặt hàng chịu ảnh hưởng mạnh của COVID-19, các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu vào Trung Quốc đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, xuất khẩu quý 1.2020 vẫn khá, ước đạt 29.498 tấn, tương đương 71,12 triệu USD, tăng 1,72% về lượng và tăng 2,18% về kim ngạch (trong đó cá tra, basa đạt 28.336 tấn, tương đương 68,28 triệu USD, tăng 0,45% về lượng và tăng 0,11% về kim ngạch).
Theo chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng, hiện tại tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc đã bước đầu được khống chế, nếu Việt Nam khống chế được dịch COVID-19 trong quý 2 để bắt đầu quý 3 và quý 4 khôi phục lại hoạt động sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, thì đây là "giai đoạn vàng" để Việt Nam đẩy mạnh cả số lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu, bởi nhu cầu nhập khẩu nông sản, trong đó có mặt hàng thủy sản của Trung Quốc sẽ tăng cao.
VASEP cũng cho rằng, mặc dù rất khó dự đoán về diễn biến tiếp theo của dịch COVD-19, nhưng sau đợt dịch này, dự kiến nhu cầu thủy sản của Trung Quốc sẽ tăng vì nguồn cung thịt gà, thịt lợn giảm’ – ông Nguyễn Hoài Nam nhận định.
(Theo BLĐ)