Vượt qua nỗi lo, nắm bắt thời cơ

Mặc dù các dự báo đều nghiêng về xu hướng thị trường tôm sẽ ngày càng tốt lên và những dấu hiệu về sự hồi phục của thị trường tôm đang ngày càng rõ nét hơn, nhưng các yếu tố rủi ro tiềm ẩn vẫn còn đó, nên doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và người nuôi tôm vẫn cần có sự chung tay vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ khi thị trường hồi phục.

Rõ nét nhất và mang lại niềm vui lớn nhất cho người nuôi tôm chính là giá tôm bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 4 đến nay ở tất cả các kích cỡ. Một số doanh nghiệp tại Sóc Trăng khẳng định, họ đã có hợp đồng giao hàng từ nay cho đến hết quý II-2020. Một dấu hiệu hồi phục khác đó chính là thị trường Trung Quốc sau thời gian đóng cửa vì dịch Covid-19 đã bắt đầu nhập hàng trở lại. Điều này có thể nhận biết qua hoạt động của các doanh nghiệp chuyên chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thời gian gần đây trở nên nhộn nhịp hơn. Chính điều này đã làm cho giá tôm thẻ loại nhỏ (từ 100 – 250 con/kg) tăng trở lại, giúp những hộ nuôi không may buộc phải thu hoạch sớm chẳng những tránh được tình trạng thua lỗ mà còn có lãi để tiếp tục duy trì sản xuất vụ tiếp theo. Riêng những hộ nuôi tôm thẻ theo mô hình cấp cao, tôm nuôi đạt kích cỡ lớn (từ 20 - 30 con/kg) ngay thời điểm hiện tại cũng có mức lợi nhuận từ 70 - 80% vốn đầu tư, thậm chí còn cao hơn.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, nếu đến cuối quý II, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế, kinh tế thế giới sẽ hồi phục nhanh, giúp tình hình tiêu thụ tôm mạnh hơn, kéo theo giá tôm sẽ được tăng thêm. Còn nếu tình hình dịch Covid-19 kéo dài hơn, làm cho nhu cầu thị trường giảm thì giá tôm cũng khó cơ hội giảm do nguồn cung chung trong nước và thế giới đều giảm. Nguyên nhân là do hầu hết các nước có nghề nuôi và chế biến tôm lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuador… đều đang chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, khiến sản xuất (kể cả nuôi và chế biến) bị đình trệ. Chỉ tính riêng 2 quốc gia lớn là Trung Quốc và Ấn Độ thì các dự báo đều cho thấy, sản lượng tôm năm nay sẽ giảm ít nhất cũng phải từ 20 - 30%. Trong khi đó, từ tháng 5 trở đi, đồng bằng sông Cửu Long chính thức bước vào mùa mưa, sẽ là điều kiện thuận lợi cho các vùng nuôi đẩy nhanh tiến độ thả giống. Nếu đảm bảo được diện tích thả giống và hạn chế thiệt hại, từ cuối tháng 7 trở đi, doanh nghiệp sẽ có đủ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Tuy giá tôm đã tăng trở lại, nguồn tôm nguyên liệu vẫn đang được tiêu thụ tốt, các doanh nghiệp vẫn đang thu mua, chế biến một cách bình thường, nhưng tất cả vẫn canh cánh bên mình nỗi lo cho sự bất ổn có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với ngành tôm. Điều đáng lo nhất đối với doanh nghiệp hiện nay chính là làm sao đảm bảo không để dịch Covid-19 lây nhiễm trong đội ngũ cán bộ, công nhân. Dịch Covid-19 cũng làm cho tiến độ giao hàng của các doanh nghiệp bị chậm lại và nếu diễn biến dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến cũng sẽ tác động làm giảm sức tiêu thụ, gây xáo trộn không nhỏ đến kế hoạch và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo các doanh nghiệp, do ảnh hưởng nắng nóng, sự xuất hiện của bệnh đốm trắng, gan tụy trên tôm và tình hình dịch bệnh Covid-19 đã khiến tiến độ thả giống vựa tôm đồng bằng sông Cửu Long chậm lại so với cùng kỳ. Điều này tuy có cái lợi trước mắt là giá tôm được giữ vững và có phần tăng lên từ đầu tháng 4 đến nay, nhưng sẽ làm cho các nhà máy chế biến bị thiếu hụt nguyên liệu chí ít cũng trong 2 tháng 5 và 6. Đây cũng chính là mối lo của các doanh nghiệp, bởi nếu như kịch bản dịch Covid-19 được giải quyết sớm trong quý II, nhu cầu tôm thế giới tăng mạnh trở lại, cả doanh nghiệp và người nuôi tôm đều mất cơ hội có được giá tốt.

Cũng xuất phát từ nỗi lo dịch Covid-19 đã khiến người nuôi tôm thêm phần đắn đo trong quyết định thời điểm thả giống ở vụ nuôi mới này, khi giá tôm trong 3 tháng đầu năm cứ liên tục biến động theo diễn biến của dịch Covid-19. Mặt khác, thời tiết nắng nóng và độ mặn tăng quá cao cũng khiến cho việc thả nuôi thêm phần khó khăn, buộc họ phải thu hẹp diện tích thả nuôi để thăm dò, chờ thời điểm thuận lợi nhất mới gia tăng diện tích. Hiện nay, tuy giá tôm đã khá hấp dẫn nhưng người nuôi vẫn chưa mạnh dạn thả nhiều khi trước mắt họ là bệnh đốm trắng và gan tụy đang gây thiệt hại cho không ít diện tích đã thả nuôi.

Việc cả doanh nghiệp lẫn người nuôi đều lo lắng cho vụ tôm năm nay là điều có thể hiểu được, bởi trước mắt họ vẫn còn đó những rủi ro khó lường đến từ thời tiết, dịch bệnh và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, qua diễn biến ngành tôm trong 4 tháng đầu năm cùng những phân tích, dự báo trên có thể thấy cơ hội dành cho ngành tôm là không nhỏ, nếu tất cả biết cùng nhau vượt qua nỗi lo để nắm thời cơ.

Một điều rất dễ nhận thấy là ngay trong thời điểm nắng nóng gay gắt, độ mặn tăng cao phát sinh bệnh đốm trắng và gan tụy trên tôm, nhưng những trang trại nuôi tôm lớn, những nông hộ nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao, dù thả giống sớm vẫn thu được kết quả rất khả quan. Còn đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ngoại trừ những doanh nghiệp có thị trường chính là Trung Quốc gặp khó khăn, còn lại hầu hết đều không bị tác động nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn tranh thủ được hợp đồng đảm bảo sản xuất từ nay đến hết quý II-2020.

Thời gian của vụ tôm nước lợ năm 2020 vẫn còn dài, những dấu hiệu thuận lợi cũng bắt đầu xuất hiện ngày một rõ ràng hơn, nên dẫu cho những kế hoạch ban đầu có đôi chút xáo trộn, nhưng nếu tất cả cùng bình tĩnh nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, đúng đắn sẽ thấy bên cạnh những rủi ro là cả một cơ hội lớn luôn sẵn sàng dành cho những ai biết vượt qua nỗi sợ hãi và nắm bắt đúng thời cơ.

(Theo báo Sóc Trăng)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục