VietGAP giúp nghề nuôi thủy sản bền vững hơn

Việc áp dụng quy phạm thực hành sản xuất tốt (VietGAP) trong nuôi trồng thủy sản đang được ngành nông nghiệp khuyến khích và tiến tới bắt buộc áp dụng đối với một số loài thủy sản chủ lực trong thời gian tới...

Bà Lê Bảo Ngọc, Công ty CP chứng nhận và giám định Vinacert cho rằng, việc áp dụng quy trình sản xuất theo VietGAP sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và tạo được thương hiệu với nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện phần lớn các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên cả nước có quy mô nhỏ, sản xuất manh mún nên việc bắt buộc áp dụng VietGAP khó có thể thực hiện. Hơn nữa, điều quan trọng quyết định sự thành công của VietGAP là sản phẩm đạt VietGAP phải có giá bán và hiệu quả kinh tế cao hơn sản phẩm truyền thống, chất lượng sản phẩm VietGAP được người tiêu dùng tin tưởng…

Về vấn đề chi phí sản xuất, nhiều chuyên gia cho rằng, so với kiểu sản xuất truyền thống thì chi phí sản xuất theo VietGAP không cao hơn nhiều, bởi sản xuất theo VietGAP đòi hỏi diện tích phải lớn và đầu tư một lần. Do đó, nếu cơ sở tiếp tục duy trì sản xuất theo VietGAP sau khi được chứng nhận thì chắc chắn lợi nhuận các vụ nuôi sau sẽ cao hơn. Ở đây, vấn đề quan trọng cần giải quyết để khuyến khích người dân xã hội hóa VietGAP là phải tiết giảm được chi phí chứng nhận và có những hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Theo Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, từ trước tới nay việc kiểm soát chất lượng thủy sản chỉ được thực hiện ở khâu cuối cùng nên mang tính bị động, gây tốn kém cho xã hội. Vì vậy, hiện Việt

Nam là một trong những nước có lô hàng thủy sản bị trả về nhiều nhất với giá trị thiệt hại hàng năm lên đến 14 triệu USD.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện nay Việt Nam có gần 500 nhà máy chế biến thủy sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU, đứng thứ 2 trong số những nước có nhiều nhà máy đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính này. Điều này cho thấy các nhà máy đã đáp ứng tốt với các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến. Do đó, vấn đề còn lại để thực hiện tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong thủy sản Việt Nam là kiểm soát ngay từ các yếu tố đầu vào và trong quá trình nuôi trồng mà VietGAP là một trong những quy trình sản xuất tốt giúp đảm bảo điều đó.

Một số cơ sở sản xuất thủy sản cho rằng VietGAP cần được đơn giản hơn như là một tiêu chuẩn tối thiểu mà nếu cơ sở nào không đạt tiêu chuẩn này thì chứng tỏ quá trình sản xuất tại cơ sở có vấn đề về việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cần nhanh chóng ban hành các quy định cụ thể về cơ quan được phép thẩm định, đồng thời ra được mẫu nhãn hiệu VietGAP theo quy chuẩn chung để Metro và người tiêu dùng có căn cứ phân biệt.

(Theo KHPT)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục