Việt Nam hiện đứng khá cao trong ngành sản xuất nuôi trồng thủy sản trên thế giới chỉ đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ.
Ngày 15/8, tại TP.Cần Thơ, đã diễn ra buổi Họp báo "Triển lãm &Hội thảo Quốc tế chuyên ngành Thủy sản Việt Nam" đây là dịp để các đơn vị trong và ngoài nước giới thiệu những công nghệ, cải tiến mới trong ngành đánh bắt thủy hải sản từ khâu sản xuất cho đến chế biến, đóng gói.
Phát biểu tại buổi Họp báo, bà Rose Chitanuwat - Giám đốc chuỗi dự án Tập đoàn UBM Asia (Khu vực Asean) cho biết: Chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua đã hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa nhằm thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững thông qua nhiều chính sách, cơ chế khác nhau.
Hiện, Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 4 thế giới trong ngành sản xuất nuôi trồng thủy sản, chỉ đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ.
Thực tế cũng chỉ ra rằng, 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt gần 2 triệu tấn (tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2018). Trong sản lượng nói trên, Sản lượng tôm ước đạt gần 300 nghìn tấn. Sản lượng cá tra đạt gần 700 nghìn tấn (bằng 107,5% so với cùng kỳ 2018). Ngoài ra, các đối tượng khác như cá rô phi, nhuyễn thể, tôm hùm, cá biển cũng đạt kết quả khả quan.
TS.Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam (Vinafis) cũng cho hay: Ngành Thủy sản hiện đang được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp đến 3,43% GDP toàn quốc và 23,75% GDP của Nông nghiệp Việt Nam. Tuy vậy, ngành Thủy sản vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn từ khách quan đến chủ quan, như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn hay hạn hán kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến bà con nông dân.
"Triển lãm & Hội thảo Quốc tế chuyên ngành Thủy sản Việt Nam" sẽ được tổ chức tại TP.Cần Thơ từ 16 đến 18.10 sắp đến, nhằm đưa sản phẩm nuôi trồng của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của người tiêu dùng thông thái, ngành nuôi trồng phát triển một cách bền vững có hiệu quả kinh tế cao với công nghệ hữu ích và tiên tiến đảm bảo không gây tác động xấu tới môi trường và xã hội, ông Thắng nhấn mạnh.
(Theo BLĐ)