Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư lớn, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nuôi trồng thủy sản… nhằm tạo ra những sản phẩm giá trị cao.

Ứng dụng công nghệ cao

Theo Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh có hơn 50 cơ sở sản xuất giống thủy sản. Trong đó, cơ sở của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (Công ty Đắc Lộc) được đầu tư bài bản, áp dụng các mô hình nuôi tiên tiến. Hiện khu sản xuất tại xã Xuân Hải (TX Sông Cầu) của Công ty Đắc Lộc có diện tích 50ha, trong đó có 3 trại giống tôm bố mẹ (công suất 50 triệu nauplius/ngày), 11 trại ương ấu trùng (công suất 3,5 tỉ post larvae/năm) và khoảng 30ha nuôi thực nghiệm với sản lượng mỗi năm từ 1.200-1.500 tấn tôm nguyên liệu.

Từ năm 2013 đến nay, Công ty Đắc Lộc đã xây dựng mô hình khu ương nuôi Green House, tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật ương nuôi tiên tiến nhất từ Công ty Aquaculture Promotion Co., Ltd thuộc Tập đoàn C.P. Mô hình sản xuất kinh doanh tôm thẻ chân trắng khép kín đã giúp Công ty Đắc Lộc trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được Tổ chức Bureau Veritas (Pháp) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vào năm 2013 và cấp chứng nhận liên tục cho đến nay.

Ông Lê Hồng Duyệt, Trưởng bộ phận Tôm thương phẩm (Công ty Đắc Lộc), cho biết: Mô hình Green House đã mang lại hiệu quả rất khả quan. Mô hình này chủ yếu ương tôm giống từ PL12 thành PL40. Thời gian ương từ 25-30 ngày tôm sẽ đạt kích cỡ tương đương 1,5-2g/con. Tôm giống PL40 có nhiều ưu điểm vượt trội như đề kháng tốt với sự thay đổi đột ngột của thời tiết, môi trường và rút ngắn thời gian nuôi từ 95-100 ngày xuống còn 65-70 ngày. Việc rút ngắn thời gian ương nuôi đã giảm chi phí thức ăn từ 15-20%, nhưng tôm vẫn tăng trưởng nhanh, năng suất nuôi tăng lên 20-30%. Đặc biệt, ương nuôi theo mô hình này giúp giảm tối đa mầm bệnh trên tôm, khắc phục hội chứng chết sớm trên tôm thẻ chân trắng, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi.

Theo ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty Đắc Lộc, để giám sát, kiểm tra chất lượng con giống, công ty đầu tư xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm như phòng PCR, phòng vi khuẩn, phòng quản lý chất lượng nước, phòng quản lý chất lượng tôm… với trang thiết bị hiện đại. Công ty còn thường xuyên đào tạo nhân lực để đáp ứng giám sát một cách tốt nhất chất lượng sản phẩm tôm giống đến khi xuất xưởng. Ngoài việc kiểm tra tại chỗ, Công ty Đắc Lộc thường xuyên gửi mẫu tới các viện nghiên cứu lớn để kiểm tra đối chứng.

Mô hình sản xuất kinh doanh khép kín từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đến nay, Công ty Đắc Lộc đã trở thành một trong những đơn vị cung cấp tôm giống chất lượng cao hàng đầu tại Việt Nam với khoảng 2,5 tỉ con giống tôm thẻ chân trắng sạch bệnh, chất lượng cao mỗi năm.

Đầu tư để phát triển bền vững

Năm 2018, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã thử nghiệm ương nuôi cá mú trân châu từ giai đoạn trứng đến giai đoạn cá giống. Đây là đối tượng nuôi mới đang được nhiều địa phương triển khai vì hiệu quả kinh tế rất cao.

Ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên, cho biết: Sau hơn 3 tháng triển khai mô hình thử nghiệm ương nuôi cá mú trân châu từ giai đoạn trứng đến giai đoạn cá giống, đến nay mô hình tương đối thành công, đàn cá giống khỏe mạnh. Hiện trung tâm đang hoàn thiện công nghệ nuôi cá mú trân châu (trong năm 2019) và sẽ chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân muốn tham gia nuôi đối tượng này.

Ngoài ra, trong năm 2019, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên tiếp tục phối hợp với Công ty CP Thiết bị chuyên dụng và chuyển giao công nghệ (Hà Nội) để triển khai mô hình nuôi tôm hùm trên bể với công nghệ ứng dụng hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn và sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi tôm.

 “Đây là công nghệ nuôi mà một số nước trên thế giới đã ứng dụng thành công và người nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh mong muốn được chuyển giao. Ưu điểm của mô hình này là sử dụng thức ăn công nghiệp và sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn nên sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Lê Quang Hiệp nói.

Năm 2019, Phú Yên sẽ triển khai nhiều dự án nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn, được đầu tư ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến. Trong đó, dự án Đầu tư sản xuất và kinh doanh sản phẩm cá chẽm và các loài cá biển giá trị cao của Công ty TNHH Blue Table Farmers đang được tỉnh thẩm định và chuẩn bị cấp phép. Dự án này triển khai tại xã An Hải (huyện Tuy An) với diện tích mặt nước khoảng 29ha, quy mô sản xuất và chế biến khoảng 1.000 tấn cá/vụ nuôi hoặc 400 tấn cá phi lê/vụ nuôi. 

 “Bên cạnh đó, dự án Thử nghiệm nuôi tôm hùm bằng lồng Nauy của Công ty Đắc Lộc cũng đã được thẩm định và đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Dự án này có quy mô khoảng 20ha mặt nước, ban đầu thử nghiệm nuôi 4 lồng, mỗi lồng có diện tích khoảng 25m2. Ngoài ra còn có một số dự án nuôi thủy sản áp dụng công nghệ cao khác cũng do Công ty Đắc Lộc thực hiện”, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết.

Theo ông Lê Hữu Tình, năm 2019, Công ty Đắc Lộc sẽ triển khai nhiều dự án nuôi thủy sản quy mô lớn, trong đó có những dự án ứng dụng công nghệ cao đã được Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN đồng ý cho triển khai. Trong đó, dự án Nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà lưới trên cát bằng nước biển ven bờ đã được Bộ NN-PTNT giao cho công ty xây dựng và hoàn thiện quy trình mô hình này.

Nhiệm vụ của Công ty Đắc Lộc là xây dựng một bộ quy tắc bằng công nghệ tiên tiến mà công ty đã ứng dụng để chuyển giao cho 14 tỉnh, thành phố ven biển miền Trung có nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Còn dự án Nuôi tôm hùm trên bể cũng được Bộ KH-CN đồng ý hỗ trợ cho công ty 50% tổng kinh phí thực hiện dự án.

Dự án này có quy mô nuôi mỗi năm khoảng 10 tấn tôm hùm bông và 10 tấn tôm hùm xanh thương phẩm, được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, thời gian thực hiện dự án đến năm 2020. Hiện nay, công ty đang xây dựng hệ thống bể nuôi, đăng ký mua các thiết bị từ nước ngoài, ký kết với một số chuyên gia nước ngoài để thực hiện nuôi tôm hùm trên bể và dự kiến trong quý I/2019 sẽ đưa tôm hùm vào nuôi…

Phú Yên mời gọi và khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp nuôi thủy sản trong và ngoài nước có quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến đầu tư, hợp tác để phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo hướng bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

(Theo báo Phú Yên)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục