Nhiều công nghệ cao được ứng dụng hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm. Đây được xem là điều kiện nhằm quản lý ao nuôi được tốt hơn thông qua các thiết bị hiện đại như công nghệ quan trắc môi trường ao nuôi, công nghệ quản lý thức ăn, phương pháp kiểm soát dịch bệnh pockit, phân tích dữ liệu nước và cảnh báo, nhà kín nuôi tôm thâm canh... phục vụ nuôi tôm bền vững, giảm thiểu rủi ro bệnh.
Theo Tổng cục thủy sản, hiện có nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại Cần Giờ (TP.HCM) cho hiệu quả cao, như mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Hoài Nam (ở ấp Trần Hưng Đạo, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ). Anh Nam đã mạnh dạn đầu tư 7.500 m2 trên tổng diện tích 1,3 ha diện tích nuôi trồng thủy sản làm trang trại nuôi tôm chân trắng siêu thâm canh theo công nghệ Biofloc với quy trình hai giai đoạn trong nhà kín theo tiêu chuẩn VietGAP. Chi phí đầu tư nuôi tôm theo mô hình này là 2,31 tỷ đồng/năm, sản lượng thu hoạch là 33 tấn, giá bán 140.000 đồng/kg, tổng thu 4,62 tỷ đồng, lợi nhuận 2,31 tỷ đồng. Có thể thấy, hiệu quả mô hình mang lại lợi nhuận cao, bền vững. Tôm thu hoạch đạt tiêu chuẩn sạch và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng.
Quy trình nuôi tôm hai giai đoạn gồm, giai đoạn 1: vệ sinh hệ thống nuôi, lọc và xử lý nước, nuôi cấy vi sinh tạo floc và ươm tôm trước khi thả nuôi. Sang giai đoạn 2, khi tôm được 30 - 60 ngày tuổi, chuyển tôm sang ao nuôi, lót bạt đáy trong nhà lưới mùa nắng và che bạt kín mùa mưa; chất thải trong ao được xử lý hàng ngày. Mô hình nuôi này đầu tư thiết bị công nghệ cao như máy nano oxygen cung cấp oxy cực nhanh, khử phèn và hóa chất độc hại trong ao, ức chế các loại vi khuẩn gây bệnh, ổn định mật độ tảo khuê và tảo lục, phát triển vi sinh có lợi, giảm chỉ số PCR (hệ số chuyển đổi thức ăn). Kiểm soát 24/24 giờ, lưu trữ dữ liệu để phân tích. Công nghệ xạ
Biofloc giúp năng suất cao, hệ số PCR thấp, bảo vệ môi trường. Đây là lời giải cho việc mở ra hướng sản xuất bền vững, an toàn thực phẩm.
Những người nuôi còn đầu tư hệ thống cung cấp oxy tự động và hệ thống vệ sinh đất ao nuôi đảm bảo môi trường, giúp giảm thiểu dịch bệnh, hay đầu tư máy cho ăn tự động. Để nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đòi hỏi kinh phí lớn, khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha, cần có chính sách giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng” do Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức, giám đốc Trung tâm khuyến nông TP.HCM Phạm Lâm Chính Văn cho biết, hiện trung tâm là đơn vị chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cho nông dân thành phố, trong đó có nuôi tôm thông qua các tập huấn, xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao hướng đến nuôi tôm được phát triển bền vững. Định hướng phát triển ngành tôm thành phố đến năm 2025, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện Cần Giờ là 2.400 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của huyện Nhà Bè là 120 ha.
(Theo KHPT)