Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được nhận định sẽ mang đến những cơ hội vô cùng lớn cho ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam song cũng đặt các doanh nghiệp (DN) trước những thách thức khi phải đáp ứng quy tắc xuất xứ, lao động, môi trường…
Thông tin được các diễn giả đưa ra tại Hội thảo “Cơ hội và thách thức của ngành thủy sản tại các Hiệp định CPTPP và EVFTA”, diễn ra ngày 17/7, tại TP. Hồ Chí Minh.
Cơ hội gia tăng xuất khẩu vào các thị trường mới
Ngày 30/6/2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức ký Hiệp định EVFTA, trước đó Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Hai hiệp định này được nhận định đem lại những cơ hội lớn cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung, thủy sản nói riêng.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thủy sản được dự báo sẽ là một trong các ngành hàng chính chịu tác động trực tiếp của Hiệp định EVFTA và CPTPP.
Chẳng hạn với CPTPP, thủy sản Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang 10 thị trường, vốn đang chiếm 25% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, vì hầu hết được cắt giảm thuế về 0%. Tại một số thị trường lớn như Nhật Bản, cơ hội thuế xuất khẩu thấy rõ khi hầu hết sản phẩm chế biến đang chịu thuế cơ bản 4,8 - 10,5% được giảm về 0% ngay, trừ sản phẩm từ cá trích, cá thu có lộ trình 6 năm và sản phẩm gạo có lộ trình 11 năm…
Ngoài ra, Việt Nam tham gia CPTPP phải kể đến cơ hội đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu từ việc gia tăng nhập khẩu từ các nước để sản xuất chế biến xuất khẩu và gia công nhờ thuế nhập khẩu giảm hoặc về 0%. Theo các số liệu của VASEP, các nước CPTPP chiếm gần 16% nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.
Đối với EVFTA, ngay khi hiệp định có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về về 0% sau từ 3 - 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.
Liên quan vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) - khẳng định: Các đối tác CPTPP và EVFTA cam kết xóa bỏ thuế quan về mức 0% cho hàng thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam song để được hưởng mức thuế này thì DN cần phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Quy tắc xuất xứ ở đây có nghĩa là hàng thủy sản phải có nguyên liệu và được sản xuất trong lãnh thổ nước xuất khẩu hoặc có xuất xứ nội khối các nước tham gia hiệp định.
Bà Lê Hằng - Phó Giám đốc VASEP.PRO - chỉ ra, cơ hội cho thủy sản còn ở chỗ chúng ta có lợi thế cạnh tranh hơn so với những nước xuất khẩu chưa có các FTA (như Ấn Độ, Thái Lan). Bởi chúng ta có thể đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu từ các nước nội khối của hiệp định; thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm, tham gia chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia; đồng thời được đảm bảo môi trường kinh doanh và thể chế ổn định, minh bạch hơn (nhờ cải thiện quy định, chính sách phù hợp theo các điều khoản FTA). Ngoài ra, các thủ tục như chứng nhận xuất xứ, thủ tục hải quan, thủ tục khiếu nại, xử lý vướng mắc TBT, SPS cũng nhanh hơn, minh bạch hơn…
Tuân thủ quy tắc xuất xứ giúp DN tăng sức cạnh tranh
Tuân thủ chất lượng, quy tắc xuất xứ
Theo các chuyên gia, bên cạnh những cơ hội trên, thách thức khi tham gia CPTPP và EVFTA cho DN rất lớn khi phải tuân thủ quy tắc xuất xứ, quy định nghiêm ngặt về môi trường, đảm bảo an toàn lao động…
Nêu những thách thức cho DN thủy sản, bà Nguyễn Thị Thu Trang - cho biết: Quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan có thể không dễ đáp ứng, bởi về cơ bản cam kết EVFTA-CPTPP làm tăng các yêu cầu về môi trường liên quan tới đánh bắt hải sản. Khi DN muốn có sản phẩm chất lượng thì phải tuân thủ các quy tắc về lao động, môi trường và việc tuân thủ này có thể làm chi phí sản xuất cao hơn, dẫn đến sản phẩm có giá thành cao…
Để hưởng được những lợi thế từ hai hiệp định trên, bà Lê Hằng khuyến cáo: Các DN phải hiểu và áp dụng linh hoạt và trung thực quy tắc xuất xứ, tăng cường hợp tác liên kết chuỗi nâng cao năng suất, chất lượng; Kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt chú trọng quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường.
Cũng theo bà Hằng, DN phải có sự chuẩn bị và đối phó kịp thời với các tranh chấp thương mại bởi khi làm ăn với các đối tác vấn đề rủi ro phát sinh là không tránh khỏi. Ngoài ra DN cũng cần chú ý đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại thị trường các nước tham gia FTA cũng như tăng cường truyền thông quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam với người tiêu dùng thế giới.
Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sắp tới chúng tôi mong muốn cùng với các địa phương, DN, hiệp hội ngành hàng nhận diện được những vấn đề mà chúng ta cần triển khai như: xuất xứ hàng hóa, quy tắc ghi nhãn, cái gì được hưởng thuế, trong thời gian bao lâu, trước mắt cần làm gì và thời gian tới cần làm gì. Bởi chúng ta phải nhận thức rõ toàn bộ chuỗi kinh doanh xuất khẩu thủy sản từ nuôi trồng, chế biến cho tới các khâu khác phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Có như thế mới đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng các cam kết trong FTA.
|
(Theo báo Công Thương)