Triển vọng mới cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2019

Xuất khẩu thủy sản năm 2018 tiếp tục tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của ngành nông nghiệp nước ta.

Lần đầu tiên sau 7 năm, ngành nông nghiệp mới lấy lại được mức tăng trưởng tới 3,76%. Năm 2019 với những tín hiệu tích cực từ thị trường, thủy sản Việt Nam sẽ có triển vọng như thế nào trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng mở cửa hội nhập, cơ hội nhiều và thách thức cũng không ít?

Xuất khẩu thủy sản đạt kỷ lục mới

Nếu như nửa đầu năm 2018, thủy sản Việt Nam vẫn còn chưa hết khó khăn do các hàng rào thuế quan (thuế chống bán phá giá), các hàng rào kỹ thuật do các thị trường lớn như Mỹ dựng lên. Rồi “bóng đen” của các đợt truyền thông bôi nhọ hình ảnh con cá tra của Việt Nam, hay việc Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam... Những tưởng với khó khăn chồng chất, thủy sản Việt Nam khó đạt được mục tiêu đề ra năm 2018. Thế nhưng, vượt lên tất cả khó khăn ấy, thủy sản Việt Nam vẫn đứng vững trên thị trường quốc tế bằng chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Kết quả cho nỗ lực ấy là năm 2018, thủy sản cán đích xuất khẩu 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2017. Trong đó, hầu hết các nhóm sản phẩm đều tăng so với năm 2017: Cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%; nhóm hải sản gồm cá ngừ 675 triệu USD, tăng 13,9%; các loại cá khác 1,52 tỷ USD, tăng 15,5%; nhuyễn thể 785 triệu USD, tăng 9,1%; giáp xác 145 triệu USD, tăng 23%. Đặc biệt, riêng cá tra lần đầu đạt kim ngạch xuất khẩu 2,3 tỷ USD, góp phần không nhỏ giúp ngành thủy sản đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2018 trong bối cảnh, tôm bị sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu.

Ở nửa cuối năm 2018, thủy sản Việt Nam lên tiếp đón nhận tin vui khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12-POR12 (từ ngày 1-2-2016 đến 31-1-2017) thấp hơn nhiều so với kết quả sơ bộ trước đó, với mức thuế là 4,58% (trước đó là 25,39%). Tin vui thứ hai, là Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã công bố Việt Nam hoàn tất và đạt tính tương đồng về mặt hồ sơ theo Đạo luật Thanh tra Cá da trơn của Mỹ. Cùng với đó việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung theo các chuyên gia đây chính là những cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng trưởng và phát triển.

Tập trung chế biến sâu để gia tăng giá trị

Năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam đề ra mục tiêu tổng sản lượng thủy sản 7,98 triệu tấn (sản lượng khai thác 3,68 triệu tấn; nuôi trồng 4,3 triệu tấn - trong đó sản lượng cá tra 1,46 triệu tấn, tăng 3%; sản lượng tôm các loại 852 nghìn tấn); kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD, tăng 11,1%.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, kinh tế thế giới trên đà tăng trưởng trở lại, khả năng nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn, trong đó có sản phẩm thủy sản. Hiệp định CPTTP có hiệu lực và Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) sắp được ký kết là động lực giúp cho thương mại của Việt Nam có nhiều thuận lợi, cũng như cả thách thức. Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ diễn biến khó lường, có thể tạo cơ hội nhưng cũng có khả năng tạo ra những bất ổn. Mức thuế chống bán phá giá cá tra và tôm vào thị trường Hoa Kỳ giảm so với kết luận sơ bộ sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Để đạt mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu phải thường xuyên quan tâm đến vấn đề chất lượng gắn liền với xây dựng thương hiệu. Những năm gần đây, mặt hàng thủy sản chủ lực như: Tôm, cá ngừ và gần đây là cá tra đã và đang từng bước được các doanh nghiệp tăng cường đầu tư chế biến sâu, chế biến các sản phẩm phụ nhằm gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế của sản phẩm thủy sản (dầu ăn chế biến từ mỡ cá tra, da cá tra sản xuất collagen, đầu cá, xương cá làm thức ăn chăn nuôi...). Về những thách thức trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Hoài Nam, các chương trình mà các nước lớn ở khu vực châu Âu, Mỹ đang áp dụng với chương trình kiểm soát nhập khẩu tiếp tục là những điểm đáng lưu ý. Để giải quyết những thách thức này đòi hỏi các doanh nghiệp cùng với các cơ quan Nhà nước sẽ phải chung tay nhiều hơn để vượt qua. Khi vượt qua được các thách thức này thì đồng nghĩa với việc năng lực cạnh tranh của chúng ta sẽ được cải thiện hơn. Bên cạnh đó, ngành thủy sản cần tiếp tục tập trung tháo gỡ "thẻ vàng" của EC đối với thủy sản Việt Nam. Cần chú trọng phát triển bền vững các đối tượng nuôi chủ lực là cá da trơn, tôm nước lợ theo hướng nuôi trồng và chế biến các sản phẩm áp dụng công nghệ cao… Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để tháo gỡ "thẻ vàng" của EC, vấn đề quan trọng là phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân và các địa phương trong thực hiện và triển khai Luật Thủy sản, đồng thời nhấn mạnh đến tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong chỉ đạo sản xuất đối với hai sản phẩm quốc gia là tôm và cá tra.

(Theo QĐND)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục