Tôm cá Việt 2019 – Cơ hội bứt phá

Thời tiết đang thuận lợi và tôm là ngành kinh tế có dư địa lớn, nhiều cường quốc nuôi tôm lên kế hoạch phát triển nuôi mạnh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Việt Nam. Dẫn đến xu thế nguồn cung mạnh, giá tôm năm 2019 sẽ nằm ở mức trung bình hơi thấp như năm 2018. Tình hình này đến cơ hội bứt phá và thách thức to lớn của ngành tôm Việt đan xen nhau.

CÁ TRA

Năm 2018 cá tra Việt đã đạt một thành tích ngoạn mục, 2,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp chế biến cá và người nuôi đều có lãi tốt, phấn khởi. Mặc dù song song đó thách thức ngành cá đã biểu hiện rõ nét, đàn cá bố mẹ thoái hoá khiến cá con yếu, nuôi hao hụt nhiều, chậm lớn, hệ số thức ăn cao, dẫn đến giá thành tăng.

Kết quả này, trước tiên do đội ngũ doanh nhân cá năng nỗ tiếp thị, mở rộng thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc qua những năm gần đây, đầy tiềm năng. Tiếp theo là người nuôi cá đã ý thức kiểm soát tốt dư lượng các chế phẩm cần ngăn chận theo quy định của các thị trường nhập khẩu; đồng thời nhà máy chế biến đã cũng cố tốt chất lượng sản phẩm, tăng sự thuyết phục người tiêu dùng. Các sản phẩm cá tra đã và đang thâm nhập các hệ thống phân phối thuỷ sản lớn, cao cấp khắp thế giới. Tuy nhiên, một điểm hết sức lưu ý.

Đó là do biến đổi khí hậu, trái đất có xu thế nóng lên, khiến quần thể cá minh thái (pollock) ở eo biển Bering có xu hướng dịch chuyển lên phía bắc, khiến việc đánh bắt cá này khó khăn hơn. Cá minh thái, sản lượng khai thác khoảng 1,5 triệu tấn hàng năm là cá thịt trắng khá tương đồng cá tra. Từ năm 2007-2010 sản lượng trong tự nhiên loài cá này sụt giảm mạnh, đã tạo lực đẩy cá tra Việt lên ngôi, nhưng ngay sau đó sản lượng tự nhiên đã phục hồi. Việc khó đánh bắt cá này khiến thị trường thiếu một lượng cá thịt trắng trung bình, đã góp phần cá tra 2018 tiêu thụ mạnh lên.

Theo dự báo năm 2019 xu hướng dịch chuyển của quần thể cá này còn tiếp diễn. Đây là thời cơ bứt phá cho cá tra Việt. Chắc chắn sản lượng tiêu thụ cá tra sẽ tăng trưởng và còn giữ giá tiêu thụ tốt, nhưng phải kiểm soát chặt không để tăng nóng, chỉ khoảng 10-15% là chấp nhận được. Trong tình huống biến đổi khí hậu diễn biến xấu, tình trạng cá tiếp tục dịch chuyển trong dài hạn, thời cơ cá tra lại lên ngôi.

TÔM

Thời tiết đang thuận lợi và tôm là ngành kinh tế có dư địa lớn, nhiều cường quốc nuôi tôm lên kế hoạch phát triển nuôi mạnh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Việt Nam. Dẫn đến xu thế nguồn cung mạnh, giá tôm năm 2019 sẽ nằm ở mức trung bình hơi thấp như năm 2018. Tình hình này đến cơ hội bứt phá và thách thức to lớn của ngành tôm Việt đan xen nhau.

Thách thức lớn nhất là giá thành sản phẩm tôm Việt. Giá đầu vào cho nuôi tôm luôn cao hơn các nước khác, nhất là con giống và thức ăn. Việc nuôi nhỏ lẻ phổ biến khiến chi phí kiểm soát của các cơ sở chế biến cũng rất cao. Một ao cá hàng trăm tấn, chỉ một lần kiểm tra có thể áp dụng cho 5-7 lô hàng xuất. Một ao tôm phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng dưới 2 tấn. Nhà máy chế biến cần kiểm 15 ao tôm mới đủ cho một lô hàng xuất. Tính ra chi phí tự kiểm tra nguyên liệu một lô tôm xuất khẩu của tôm cao gấp 70 lần so cá! Thật khó tin.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) là doanh nghiệp tôm, doanh số 2018 là 160 triệu USD và tốn gần 20 tỷ cho chi phí kiểm này. Thách thức kế tiếp là vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn do nhiều nguồn cung, họ sẽ chọn sản phẩm có độ tin cậy cao là những sản phẩm có chứng nhận từ các tổ chức chuyên ngành. Và từ các sản phẩm tin cậy, họ chọn sản phẩm có giá bán rẻ hơn. Đa phần tôm Việt nuôi không đạt chứng nhận quốc tế như ASC, BAP cho nên khó vào các hệ thống cao cấp nhất, không cải thiện được giá tiêu thụ nhiều. Từ thách thức này dẫn đến nhiều việc phải làm.

(1) Đó là phải chuẩn hoá các cơ sở cung ứng tôm giống và thức ăn. Các cơ sở này phải đạt chuẩn theo thị trường tiêu thụ yêu cầu, thí dụ như ISO, BAP... Lý do, bây giờ các hệ thống tiêu thụ lớn yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc cả chuỗi, trong đó con giống và thức ăn hết sức quan trọng.

(2) Đó là phải tính toán lại vùng nuôi, làm sao nuôi tập trung để có thể thực hiện quản lý theo chuẩn thị trường yêu cầu, chủ yếu là ASC và BAP. Năng lực của cơ sở chế biến là tốt, ở tốp cao của thế giới, góp phần làm tăng giá trị tôm khi tiêu thụ và chia sẻ lợi ích này với người nuôi. Nhưng cứ mỗi đầu vụ là các cơ sở cung ứng giống và thức ăn đều thông báo tăng giá khoảng 5-10%. Kéo dài hoài thì sự phân chia lợi ích từ chuỗi giá trị tôm không hài hoà, người nuôi thiệt thòi mất lời, có thể treo ao dẫn tới phá vỡ chuỗi. Tuy nhiên, để tôm Việt bức phá mạnh thì việc chuẩn hoá nuôi và các cơ sở trong chuỗi phải nhanh chóng được quan tâm, thực hiện càng sớm càng tốt.

Thuận lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung, từ việc Việt Nam sắp ký hiệp định tự do thương mại với EU, từ bản lĩnh đội ngũ doanh nhân tôm là các mặt mạnh để tôm Việt bức phá năm 2019. Nhưng rõ ràng nếu các thách thức ngành tôm được Chính phủ, Bộ, Ngành hỗ trợ mạnh hơn, kịp thời hơn thì chỉ tiêu 10 tỷ USD tôm cho năm 2025 mới có cơ hội thành hiện thực.

Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Fimex VN

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục