Dù tiềm năng rất lớn, nhưng hiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi vẫn còn khá khiêm tốn.
Trong cuộc hội đàm vừa qua với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Tổng thống Nam Phi David Mabuza khẳng định, Nam Phi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ thương mại, đầu tư, nhằm đưa kim ngạch song phương lên mức 2 tỷ USD trong 5 năm tới.
Nếu như trao đổi thương mại song phương Việt Nam- Nam Phi năm 2012 chỉ hơn 700 triệu USD thì đến năm 2018 đã đạt hơn 1 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2019, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 951 triệu USD.
“Cửa ngõ” vào Châu Phi
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công thương) đánh giá, kim ngạch thương mại Việt Nam- Nam Phi liên tục tăng trưởng trong những năm qua cho thấy hàng hóa Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường này. Vì vậy, Nam Phi chính là thị trường rộng lớn để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu.
Đặc biệt, hệ thống siêu thị bán lẻ Nam Phi không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn phục vụ nhiều quốc gia lân cận. Nếu doanh nghiệp Việt ký kết cung ứng hàng hóa cho hệ thống siêu thị Nam Phi, đồng nghĩa với việc phục vụ thị trường Châu Phi với 1,2 tỷ dân.
Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Châu Phi gồm điện thoại di động và linh kiện, máy tính và linh kiện, dệt may, giày dép, gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều nhân, cá tra, ba sa, tôm, vật liệu xây dựng...
Lưu ý với doanh nghiệp
Bà Lâm Lệ Chi, Giám đốc Công ty TNHH Panoramas Commodities (chuyên xuất, nhập khẩu nông sản và các loại hàng hóa khác sang Châu Phi) cho rằng, để có thể thành công tại khu vực Châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số đặc trưng, như: Khó khăn về địa lý, độ tin cậy trong các giao dịch thanh toán, cách thức thanh toán, xác minh năng lực khách hàng... và hơn hết là sự kiên trì, quyết liệt cần có đối với mỗi doanh nghiệp xuất khẩu.
Cụ thể, nếu sử dụng hình thức giao tiền sẽ giao chứng từ (D/P), doanh nghiệp Việt Nam cần phải kèm theo điều khoản tiền đặt cọc. Tùy từng mặt hàng, doanh nghiệp cần đưa ra các mức phần trăm đặt cọc (tốt nhất là 30%) để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác sử dụng thư tín dụng (L/C) không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể nghiên cứu đầu tư sản xuất hàng hóa tại Nam Phi để tận dụng nguồn nhân công và nguyên liệu dồi dào, phục vụ tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu sang các nước trong khu vực Châu Phi, kể cả xuất khẩu sang EU, Mỹ- nơi mà hàng hóa có xuất xứ từ Nam Phi được hưởng ưu đãi về thuế quan.
(Theo DĐDN)