Sự gia tăng nhu cầu sử dụng thủy sản của người tiêu dùng thế giới đang là lực đẩy giúp ngành chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục hút vốn đầu tư.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) - dự báo: Xu hướng của người tiêu dùng thế giới đang ngày càng chuộng các sản phẩm thủy sản bởi tính an toàn cao hơn so với các loại thực phẩm khác. Xu hướng này đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng thủy sản gia tăng. Bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam qua các năm đều tăng trưởng khả quan.
Cụ thể, năm 2016, xuất khẩu thủy sản đạt 7,05 tỷ USD, tăng 7,31% so với năm 2015; năm 2017 tăng 18%; năm 2018 tăng gần 8,4% so với 2017. Và quý I/2019, đạt mức khoảng 2 tỷ USD, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ 2018.
Hai mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản là tôm và cá tra trong mấy năm qua đều có sự tăng trưởng đều đặn. Đặc biệt, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi mở rộng thị trường tại Trung Quốc, được giảm thuế chống bán phá giá tại Mỹ. Những lợi thế đó cho thấy, ngành thủy sản vẫn đang tiếp tục hấp dẫn đầu tư.
Cả nước hiện có hơn 700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, rất nhiều trong số này vẫn đang mở rộng, nâng cấp nhà máy để đáp ứng kịp nhu cầu sản xuất phục vụ xuất khẩu. Riêng đầu tư mới dù ở mức chừng mực, không ồ ạt như trước đây nhưng các dự án đều có quy mô và chất lượng hơn.
Theo thống kê, liên tục từ cuối năm 2018 đến nay, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản đã được cấp phép cũng như khởi công mới.
Tại An Giang, cuối năm 2018 vừa qua Tập đoàn Asia Star đã làm việc với UBND tỉnh để xin chủ trương đầu tư Dự án nuôi cá lồng bè kết hợp du lịch sinh thái (xã cù lao Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân thuộc huyện Chợ Mới)… Đầu tháng 1/20019, Công ty TNHH MTV Nuôi trồng Thủy sản Nam Việt Bình Phú (thuộc CTCP Nam Việt - ANV) đã khởi công dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Bình Phú với quy mô 600 ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Trước khi đầu tư dự án mới kể trên, Nam Việt đã có vùng nuôi 300ha mặt nước, 1 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản viên nổi, 4 nhà máy chế biến cá tra.
Tháng 3/2019, UBND thành phố Cần Thơ đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy sản xuất, gia công thủy sản, liên doanh giữa The Marine Foods Corporation (Nhật Bản) và Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải. Nhà máy đặt tại khu công nghiệp Trà Nóc 1 (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) với tổng vốn đầu tư 14 triệu USD, mục tiêu gia công, chế biến thủy sản xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Dự kiến, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 5/2020.
Dự kiến đến năm 2020, tiêu thụ thủy, hải sản tại các nước đang phát triển sẽ tăng lên 98,6 triệu tấn và tại các nước đang phát triển là 29,2 triệu tấn, trong khi nguồn cung chỉ đạt 78,6 triệu tấn.
|
(Theo báo Công Thương)