Thủy sản ĐBSCL mùa COVID-19 (Kỳ II): Gỡ khó cho doanh nghiệp

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã và đang dồn nhiều ngành vào thế khó, và ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL, cũng không ngoại lệ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã và đang dồn nhiều ngành vào thế khó, và ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL, cũng không ngoại lệ.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc nhập khẩu và thông quan hàng hóa ở các nước bị ngưng trệ, khiến các cảng biển bị ùn ứ, gây thiếu containers, kho lạnh.

Khó khăn trầm trọng

TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Fimex Việt Nam, cho rằng nếudịch COVID-19 được giải quyết cơ bản cuối quý II/2020, kinh tế thế giới sẽ hồi phục nhanh vì sự phấn khởi vượt qua đại nạn. Sự phấn khởi đó có thể như cái lò xo ở một số ngành kinh tế, trong đó có xuất khẩu thủy sản.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài quá quý II, người nuôi tôm sẽ giảm việc thả giống nuôi. Mức cung trong nước sẽ giảm, dẫn đến giá cả nếu có tăng, cũng chỉ tăng nhẹ.

Đối với ngành hàng cá tra xuất khẩu, nếu dịch COVID-19 kéo dài, hơn ngành này sẽ lâm vào tình thế hết sức khó khăn. Bởi theo ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất khẩu thủy sản Cafatex, trong những tháng đầu năm nay, sản phẩm cá tra chế biến bị “dội chợ” nên các doanh nghiệp phải trữ đông để chờ tiêu thụ, nhưng năng lực kho lạnh không đủ đáp ứng cho dự trữ.

“Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu trầm trọng kho lạnh là do dịch tả lợn Châu Phi khiến nguồn cung thịt trong nước thiếu hụt, các doanh nghiệp nhập khẩu thịt nhiều hơn. Vì vậy, các kho lạnh phục vụ thương mại khu vực Long An, TP.Hồ Chí Minh gần như đã kín hàng, trong khi đó năng lực kho lạnh của khu vực ĐBSCL không thể đáp ứng”, ông Nguyễn Văn Kịch cho biết và nhấn mạnh, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, cần đẩy mạnh bán hàng ở thị trường nội địa vì tình hình dịch bệnh COVID- 19 trong nước đã ổn, nhưng trên thế giới còn phức tạp.

Cần giải pháp linh hoạt hơn

Trao đổi với DĐDN, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), cho biết nhằm góp phần cùng người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, VINAPA cùng với VASEP, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như: giảm, giãn, miễn nộp thuế, tiền thuê đất, phí, lãi suất ngân hàng, tái cơ cấu nợ vay, tăng hạn mức cho vay, đồng thời ban hành chính sách xúc tiến thương mại, khuyến khích xuất khẩu, giảm thiểu các thủ tục hành chính, …

Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp nối lại thị trường xuất khẩu, thì VINAPA cũng khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chưa “mặn mà” với thị trường trong nước do thiếu chính sách khuyến khích. Bởi khi xuất khẩu thì thuế suất 0%, nhưng khi bán trong nước thì phải chịu 5% thuế VAT cho sản phẩm qua chế biến.

“Sản phẩm dầu ăn Ranee của Công ty Dầu cá Châu Á thuộc Tập đoàn Sao Mai được đánh giá là góp phần gia tăng chuỗi giá trị cho ngành hàng cá tra. Điều bất hợp lý là khi bán mỡ cá thô thì không phải chịu thuế, nhưng qua tinh luyện thành dầu ăn mà muốn bán nội địa thì phải chịu 5% thuế VAT. Bất hợp lý này đã được các doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi nhiều năm nhưng vẫn chưa được chấp thuận”, ông Quốc dẫn chứng và kiến nghị cơ quan quản lý cần sớm xử lý kiến nghị này để gỡ khó cho doanh nghiệp.

(Theo DĐDN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục