Thương mại Việt - Mỹ: Vượt qua rào cản hướng tới hợp tác bền vững

Việt Nam và Mỹ đã 25 năm bình thường hóa quan hệ kinh tế, nhờ đó quan hệ thương mại giữa 2 nước tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ tăng gần 120 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018. Nhiều năm liên tục, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Mỹ.

Thương mại 2 chiều tăng vượt bậc

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, kể từ khi Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định Thương mại song phương vào tháng 7/2000 (bắt đầu có hiệu lực từ tháng 12/2001), thương mại 2 chiều giữa hai nước đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Đặc biệt, năm 2018 kim ngạch XK Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 47,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ, nhập khẩu từ Mỹ năm 2018 đạt 12,8 tỷ USD, tăng 36,7% và thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng tới 19,52% tổng kim ngạch XK cả nước.

Riêng trong tháng 1/2019, kim ngạch XK sang thị trường Mỹ đạt 5,151 tỷ USD, tăng 42,1% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, XK hàng dệt may đạt 1,591 tỷ USD, tăng 34,1%, XK mặt hàng điện thoại đạt 473 triệu USD, tăng 121%. Cũng trong tháng 1/2019, DN Việt Nam đã nhập khẩu 1,076 tỷ USD từ thị trường Mỹ, như vậy Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường Mỹ 4 tỷ USD. Hiện Mỹ đang là thị trường XK lớn nhất của hàng Việt.

Ở chiều ngược lại, năm 2018 cũng ghi nhận tốc độ tăng trường nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ tăng mạnh. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa từ Mỹ đạt trị giá 12,753 tỷ USD tăng tới 36,4% so với năm 2017 (năm 2017 đạt 9,349 tỷ USD). Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội Natasha Ansell cho biết: Việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Mỹ đã mở ra cơ hội cho các DN Mỹ phát triển tại thị trường Việt Nam, nổi bật là hoạt động đầu tư của: GE, CocaCola, Microsoft, IBM, Nike, ExxonMobil… đã góp phần tạo dựng cho Việt Nam có một chỗ đứng ngày càng vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Gỡ bỏ rào cản

Mặc dù quan hệ kinh tế song phương giữa 2 nước Việt - Mỹ đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số ngành hàng như thủy, hải sản, nông sản thực phẩm, đã gặp nhiều rào cản phi thuế quan khi đối mặt với các quy định, quy chuẩn khắt khe làm tăng chi phí sản xuất cho DN, giảm lợi thế cạnh tranh.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong 10-15 năm qua, 90% mặt hàng cá da trơn bán tại Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam, thế nhưng từ tháng 8/2018 sản phẩm này khi nhập khẩu vào Mỹ sẽ chịu sự kiểm tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ. "Quy định này sẽ gây khó khăn cho DN trong quá trình XK bởi phải chịu thêm vòng kiểm tra ngặt nghèo, giống như một sự bất tiện mà trong ngôn ngữ hội nhập kinh tế ngày nay vẫn gọi đó là rào cản thương mại phi thuế quan" - đại diện VASEP chia sẻ.

Nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ những rào cản không đáng có trong quá trình XK hàng nông sản vào thị trường Mỹ, Bộ Công Thương đã đề nghị Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ, với tư cách là đầu mối trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư (TIFA), cần có ý kiến tới các cơ quan hữu quan của Mỹ để sớm công bố quyết định cuối cùng về việc công nhận “Tiêu chuẩn tương đồng” cho cá tra, basa XK Việt Nam. Đồng thời đẩy nhanh xem xét vấn đề kinh tế thị trường, cũng như có quyết định khách quan trong các vụ việc tranh chấp thương mại liên quan tới hàng hóa XK của Việt Nam.

Dự báo đến năm 2020, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam - Mỹ sẽ đạt khoảng 57 tỷ USD và XK của Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Nhưng để đạt được mục tiêu này đòi hỏi Việt Nam - Mỹ phải tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, đối thoại nhằm xử lý kịp thời các rào cản thương mại.

(Theo KT&ĐT)

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục