Thúc đẩy hợp tác về biển giữa Việt Nam và Na Uy

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Công ty dịch vụ ngoài biển Kongsberg Marintime và Công ty Pharmaq, hai doanh nghiệp hàng đầu của Na Uy.

Ngày 25/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Công ty sản xuất vaccine cho cá Pharmaq và Công ty dịch vụ biển Kongsberg nhằm thúc đẩy các công ty của Na Uy mở rộng hợp tác kinh doanh với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ phát triển thủy sản và khai thác đại dương bền vững.

Pharmag là công ty hàng đầu thế giới về sức khỏe cá và sản xuất 35 loại vaccine với 1,3 tỷ liều cho cá. Ngoài phòng nghiên cứu và sản xuất tại Oslo, Pharmaq còn có phòng phòng thí nghiệm chẩn đoán ở Cần Thơ và phòng thí nghiệm lâm sàng đặt tại Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Kể từ năm 2018, đã có 80 triệu con cá tra được tiêm phòng. Việc tiêm vaccine cho cá tra đã giúp cho nhiều cơ sở nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long không phải sử dụng thuốc kháng sinh để chữa bệnh cho cá, nên các sản phẩm cá tra ở đây có thể xuất khẩu với giá trị lớn hơn và giúp ngành nuôi cá tra phát triển bền vững hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Pharmaq đang kết hợp với các viện nghiên cứu và trường đại học của Việt Nam để chuyển giao công nghệ và nghiên cứu vaccine cho các loại cá khác, nhằm cùng với Chính phủ thực hiện chiến lược mở rộng ngành chăn nuôi cá nước ngọt và phát triển nuôi cá đại dương. Sau vaccine cho cá tra, Thủ tướng đề nghị công ty nghiên cứu và sản xuất vaccine cho các loại cá nuôi khác ở Việt Nam, tiến tới đặt nhà máy sản xuất vaccine cho cá ở Việt Nam, vì ngành thủy sản Việt Nam hiện nay có quy mô khá lớn sẽ còn mở rộng hơn trong những năm tới.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm tàu nghiên cứu của Công ty dịch vụ biển Kongsberg. Đây là công ty hàng đầu về công nghệ biển và giải pháp phát triển kinh tế biển với thiết bị lặn sâu 12km và ứng dụng công nghệ vũ trụ vào nghiên cứu đáy biển. Ngoài việc đang cung cấp giải pháp giám sát tích hợp và hệ thống điều khiển cho các tàu hàng 13.000 tấn của Việt Nam, Kongsberg cũng muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam để nghiên cứu năng lượng sinh khối ở đại dương và khai thác đại dương bền vững thông qua việc lập bản đồ, nghiên cứu, giám sát đáy biển, phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản và nghề cá.

(Theo VTV)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục