Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ nông sản còn tồn tại; Sở Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp
Ảnh minh họa

Khó khăn, vướng mắc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp

Những tháng đầu năm 2021, tình hình dịch Covid-19 ở Phú Yên diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản còn tồn tại. Cục bộ có sản phẩm nông sản Bí đỏ thu hoạch khoảng 150 tấn/12ha tại xã Hòa Hội - huyện Phú Hòa, do thương lái không thu mua nên dẫn đến tình trạng rớt giá (chỉ còn 1.200 - 2.000 đồng/kg) và được Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân. Cước vận chuyển sản phẩm thủy sản xuất khẩu tăng gấp 2- 3 lần, giá tôm thẻ chân trắng có lúc giảm 15.000 – 20.000 đ/kg ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của ngư dân, doanh nghiệp, lợi nhuận của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng chung nên hoạt động sản xuất - kinh doanh có thời điểm bị gián đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm; hoạt động thương mại gặp nhiều trở ngại; Việc tiếp cận gói tín dụng có lãi suất thấp còn hạn chế, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp.

Giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp

Trong thời gian đến, ngành Nông nghiệp và PTNT, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo điều hành về lịch mùa vụ, chủ động thích ứng với diễn biến thời tiết và dịch bệnh... để điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp. Phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình về sản xuất, nguồn cung, tiêu thụ nông sản trong nước, diễn biến cung cầu thị trường nông sản, để khuyến cáo đến người dân tổ chức sản xuất hiệu quả. Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng các hình thức phù hợp, đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh. Vận động, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông lâm thủy sản trong tỉnh hoạt động thuận lợi; thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác kịp thời, đúng quy định...

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho nông sản tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan Thương vụ, Ngoại giao, ban quản lý các cửa khẩu kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản trước diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc đối với tôm hùm, sắn và các sản phẩm từ sắn, dưa hấu,…

Bộ Công Thương chỉ đạo các chuỗi siêu thị tăng cường thu mua hàng hóa nông sản cho bà con nông dân; nhất là sản phẩm địa phương, sản phẩm trong kỳ thu hoạch; tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu và triển khai các phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa ứng phó với dịch Covid19...

Bộ Tài chính triển khai chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nghiên cứu, tham mưu Chính phủ có các gói kích cầu kịp thời nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa…

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiếp cận nguồn vốn vay này để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

(Theo Cổng TTĐT Phú Yên)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục