Để rộng cửa cho thủy sản xuất khẩu, một trong những điểm nghẽn các DN quan tâm khắc phục ngay trong đầu năm 2019 đó là việc tháo gỡ "thẻ vàng" hải sản xuất khẩu.
Chờ phán quyết “thẻ vàng”
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện vẫn chưa có thông tin chính xác thời điểm Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam xem xét vấn đề khắc phục "thẻ vàng" hải sản.
Theo kế hoạch đầu năm 2019, Đoàn thanh tra của EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo (IUU). Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị dời lại. Đây là lần thứ 3 EC có các cuộc kiểm tra xoay quanh IUU. Trước đó, từ ngày 15 đến 24/5/2018, Đoàn thanh tra của EC đã có các cuộc làm việc, kiểm tra thực tế ở một số địa phương. Tiếp đó, trong tháng 10/2018, Đoàn Nghị viện châu Âu cũng sang làm việc và kiểm tra tình hình khắc phục “thẻ vàng” tại Việt Nam.
Kể từ ngày 23/10/2017 khi EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Liên hiệp châu Âu (EU), với sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đưa vào luật Thủy sản các quy định của quốc tế, khu vực về chống khai thác IUU vào Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn. Công tác tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân liên quan hiểu rõ về “thẻ vàng” được quan tâm đẩy mạnh ở các địa phương, trong đó có cả những biện pháp mạnh để xử lý các tàu cá vi phạm. Đặc biệt, các địa phương đã công khai danh sách tàu cá vi phạm trong việc khai thác, đánh bắt thủy sản. Ngoài nêu tên trên phương tiện thông tin đại chúng, các địa phương còn yêu cầu cơ quan chức năng điều tra, xác minh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cả nước có tới 28 địa phương có biển, với gần 110 nghìn tàu cá đánh bắt hải sản, trong đó khoảng 33 nghìn tàu cá đánh bắt xa bờ, tất cả đều phải thực hiện đúng quy định mà EC đã cảnh báo để gỡ được “thẻ vàng”. Cùng với đó thực hiện nghiêm Thông báo kết luận số 300/TB-VPCP ngày 17/8/2018 của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu.
Đặc biệt, Luật Thủy sản đã có hiệu lực thi hành ngay từ đầu năm 2019. Đồng thời xây dựng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định quốc gia có cảng mà Việt Nam vừa gia nhập, cũng như sớm hoàn thành việc gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc… cũng là một trong những nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc thẻ vàng để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU.
Vượt qua rào cản kỹ thuật
Ngoài việc khắc phục “thẻ vàng” để đẩy mạnh xuất khẩu, ngành thủy sản Vệt Nam còn phải đối mặt với một số khó khăn về rào cản kỹ thuật. Hiện nay, vấn đề công nhận tương đương cho ngành cá tra Việt Nam trong chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ, Cục Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đề xuất với Văn phòng đăng ký liên bang Mỹ công nhận tương đương cho cá tra Việt Nam. Theo đó, Văn phòng đăng ký Liên bang Mỹ cũng đã đăng dự thảo lấy ý kiến về đề xuất nêu trên của FSIS. Đề xuất được đăng công khai và lấy ý kiến rộng rãi trong 30 ngày, tính từ giữa tháng 9/2018. Tuy nhiên, đến nay phía Mỹ vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng. Việt Nam vẫn đang chờ phía Mỹ công nhận tương đương. Với việc phía Mỹ chưa đưa ra quyết định cuối cùng bằng văn bản trong việc công nhận tương đương cho ngành cá tra Việt Nam nói riêng và cá da trơn nói chung, dù đã quá thời hạn quy định cũng đồng nghĩa việc loại thủy sản này của Việt Nam XK vào Mỹ còn đang bỏ ngỏ.
Tương tự, Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) của Mỹ áp dụng cho 13 loại thủy hải sản đi vào thị trường này từ đầu năm 2018 cũng đang khiến cho việc thu mua nguyên liệu đáp ứng được các yêu cầu xuất xứ trở nên khó khăn hơn với các nhà chế biến Việt Nam. “Những thách thức như vậy cũng chính là dịp để chúng ta nhìn lại toàn ngành, để tổ chức sắp xếp lại các khâu đánh bắt, bảo quản, vận chuyển…”, đại diện VASEP nhận định.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thương mại Thuận Phước cho rằng, kế hoạch tăng kim ngạch mặt hàng tôm từ mức 3,6 tỷ USD năm 2018 lên 4,2 tỷ USD trong năm 2019 đang gặp không ít áp lực. Bên cạnh lượng tồn kho không nhỏ tại các thị trường chính do mùa đông khắc nghiệt vừa qua và sự lớn mạnh của các đối thủ nuôi trồng thủy sản như Ấn Độ, Trung Quốc, ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam còn đang loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán giá thành sản xuất để đủ sức canh tranh khi xuất khẩu…
* Vào đầu tháng 1/2019, tại buổi tiếp bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay sau EC cảnh cáo “thẻ vàng” liên quan đến hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã tập trung vào cuộc, triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục các khuyến nghị của EC. Ttrong đó xác định nhiệm vụ ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác là nhiệm vụ trọng tâm. Chủ trương của Việt Nam là thực hiện chính sách phát triển nghề cá bền vững; phòng, chống và hướng tới chấm dứt các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, hoặc không theo quy định. Thủ tướng đề nghị Phó Chủ tịch EP quan tâm thúc đẩy EC xem xét tích cực nỗ lực của Việt Nam để sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
* Bên lề Hội nghị WEF Davos 2019, ngày 24/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam xử lý vấn đề khai thác IUU và sớm dỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
|
(Theo báo Hải quan)