Tập trung gỡ khó xuất khẩu nông sản

Ngày 1/3 tại Hà Nội, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức cuộc họp công bố thông tin và tình hình thị trường nông sản Việt Nam.

Theo thông tin đưa ra, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 2 tháng đầu năm 2019 giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 5,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu thủy sản và lâm sản vẫn tăng khá nhưng các mặt hàng nông sản chính (lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu…) lại giảm mạnh (khoảng 10,1%) nên kéo tụt chỉ số chung.

Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tháng 3-2019, lúa gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó khăn do các thị trường lớn của Việt Nam như Philippines, Indonesia chưa có kế hoạch nhập khẩu năm 2019, các doanh nghiệp cần tăng cường tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác ở châu Phi. Trong tháng 3, tận dụng lợi thế ưu đãi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu tôm và cá tra sẽ có nhiều ưu đãi về thuế, cần tuyên truyền và cập nhật thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

° Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội” đã được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng 1-3. Tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nhấn mạnh, tùy theo từng kịch bản mà Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 để tăng từ 7% - 16% GDP vào năm 2030, tương đương 28,5 - 62,1 tỷ USD. Tuy một số công việc sẽ mất đi, nhưng sẽ có mức tăng thuần từ 1,3 - 3,1 triệu việc làm được tạo ra trong quá trình tăng trưởng sản xuất. Giá trị tăng thêm của các ngành truyền thống dự báo lạc quan, với công nghiệp chế biến chế tạo tăng từ 7 - 14 tỷ USD; nông nghiệp truyền thống tăng 4,9 tỷ USD; tài chính 3,5 tỷ USD.

° Cùng ngày, Ban quản lý KCX-KCN TPHCM đã tổ chức đối thoại về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển trong năm 2019. Theo đó, nhiều DN than phiền về hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải tại KCX-KCN còn hạn chế; tình trạng ngập nước, kẹt xe và thiếu hụt nguồn lao động lành nghề, kỹ thuật cao vẫn phổ biến; những cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ cải thiện chất lượng đời sống công nhân vẫn chưa được đầu tư đúng mức; còn vướng mắc về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất. Năm 2018,  tổng vốn đầu tư đạt 772,31 triệu USD, giảm 8,07% so với năm 2017. Trong đó, tập trung giảm chủ yếu ở lĩnh vực đầu tư nước ngoài, chỉ đạt 290,83 triệu USD, giảm 25,78%.

(Theo SGGP)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục