Những nhà sản xuất hàng hóa sang EU đứng trước thách thức lớn khi buộc phải đáp ứng quy định REACH mới của EU.
Việc ký kết và thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đồng thời Hiệp định song song về bảo hộ đầu tư, có thể được thực hiện vào những tháng cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019, gia tăng những quan ngại về thực thi pháp lý liên quan đến hóa chất đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU.
Luật nghiêm ngặt nhất
IREACH, luật nghiêm ngặt nhất về hóa chất và sử dụng an toàn hóa chất trên thế giới cho đến nay, được ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ 1.6.2007 để thay thế cho 40 luật về hóa chất ở EU. Đặc biệt, quy định mới về số lượng 1.000 tấn/năm cho hàng hóa nhập khẩu ban đầu vào thị trường EU đã có hiệu lực kể từ tháng 5.2018.
Áp dụng quy định này, EU muốn đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người và môi trường bằng cách áp dụng các phương pháp đánh giá độ nguy hại của các chất mà không ảnh hưởng đến lưu thông hóa chất trong nội khối.
Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Hoàng Quang Phòng, tại Hội thảo “Những quy định pháp lý liên quan đến hóa chất đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU và thủ tục tuân thủ theo tiêu chuẩn REACH”, hôm 16.11, cho rằng, những quy định phức tạp của REACH có tác động đến hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
REACH gồm các nội dung: Đăng ký, Đánh giá, Chứng nhận và Hạn chế các chất hóa học. Quy định này được thực hiện ở nhiều giai đoạn trong 10 năm, với danh mục bắt buộc khai báo bao gồm các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp, liên quan đến hàng tiêu dùng, như hóa chất, nhuộm, in, vải sợi, may mặc, giày dép, đồ chơi, đồ điện tử, vật dụng trong nhà, đồ gỗ, mỹ phẩm, chất liệu tạo hương thơm trong nến, sơn...
Ông Phòng cho rằng, việc trang bị cho doanh nghiệp làm ăn với EU kiến thức và kinh nghiệm về thực hiện các quy định REACH là rất cần thiết đối. Các nhà sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU cần biết rõ loại hóa chất bị cấm, bị hạn chế trong các vật phẩm nhập khẩu vào EU.
Trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu và sản xuất sản phẩm xuất khẩu của ngành da giày, in, nhuộm… có sử dụng một số hoá chất, song nhiều doanh nghiệp không nắm được thông tin cụ thể về những chất bị hạn chế, hoặc bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU.
Trong khi đó, các chất trong vật phẩm sử dụng trong mặt hàng dệt may phải được khai báo đến Cơ quan Hóa chất Châu Âu ở Helsinki tại Phần Lan. Quy định này áp dụng nếu nồng độ trong vật phẩm là 0.1%/ tấn hoặc hơn và được nhập khẩu vào EU với số lượng là 1 tấn/năm hoặc hơn.
Nếu cơ quan hành pháp và Hải quan của EU phát hiện những chất bị hạn chế trong các vật phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam chưa được khai báo hoặc chưa được đăng ký, doanh nghiệp vi phạm sẽ bị loại khỏi thị trường này, thậm chí bị phạt hoặc bị đưa ra tòa.
Thắt chặt hơn quy định
Ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, cho biết, các tiêu chuẩn của EU, trong đó có REACH, đã được áp dụng trong nội khối và ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, trở thành cơ sở cũng như định hướng cho quốc tế về hóa chất và sử dụng hóa chất.
Theo ông Kari Kahiluoto, bằng cách áp dụng tiêu chuẩn này, những nhà xuất khẩu chính vào thị trường của EU một mặt phải tuân thủ và sửa đổi, cũng như thích ứng với tiêu chuẩn về hóa chất của EU. Nhưng mặt khác, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của EU sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, hướng đến giá trị chuẩn mực của chuỗi cung ứng thế thời cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
EVFTA sẽ giúp đẩy mạnh thương mại, nhưng việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường này là không dễ dàng, trong đó quy định mới về số lượng 1.000 tấn/năm cho hàng hóa nhập khẩu ban đầu vào thị trường EU đang ở mức rất thấp.
Từ góc độ "người trong cuộc", ông Jani Maatta, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chementors, cho biết, Cơ quan Hành pháp EU cũng sẽ “thắt chặt hơn các quy định” liên quan đến hóa chất và sử dụng hóa chất tại thị trường này.
Để hưởng lợi từ EVFTA, ông Jani Maatta khuyến cáo các doanh nhiệp có hàng hóa xuất khẩu vào EU cần nâng cấp hệ thống quản lý hóa chất trong sản phẩm của mình, đồng thời phải nghiên cứu nắm vững các quy định của REACH, từ đó đáp ứng các yêu cầu mà REACH đặt ra.
Thêm nữa, để chứng minh được sự tuân thủ các quy định, ông Jani Maatta nói rằng các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng hóa chất cần đảm bảo rằng các hóa chất có trong vật phẩm không gây hại cho con người và môi trường EU.
Theo thỏa thuận thương mại, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Trong 7 năm, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, gồm một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp, EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
EU sẽ không hoàn toàn mở cửa cho hàng nhập khẩu thuộc diện "sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm" của Việt Nam, sẽ có giới hạn về số lượng hàng được EU miễn thuế, gồm các sản phẩm nông nghiệp như gạo, tỏi, nấm, trứng, đường…
Việc miễn thuế cho một số sản phẩm Việt Nam trong khu vực giày dép, dệt may sẽ chịu thời gian chuyển tiếp tối đa 7 năm.
Để hưởng ưu đãi, EU sẽ áp dụng quy định về nguồn gốc hàng hóa, theo đó, buộc dùng vải sản xuất ở EU, Việt Nam hay Hàn Quốc, quốc gia EU có thỏa thuận thương mại, để bảo đảm sản phẩm các nước mà EU không có thỏa thuận sẽ không thể được hưởng ưu đãi vào EU qua ngả Việt Nam.
|
(Theo NCĐT)