Quảng Ninh đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản công nghệ cao

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý là việc áp dụng công nghệ cao và kỹ thuật tiên tiến trong nuôi tôm, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và doanh nghiệp. Đây là hướng đi mà tỉnh lựa chọn nhằm nâng cao giá trị và phát huy được tiềm năng thế mạnh về biển của địa phương.

Áp dụng công nghệ tiên tiến

Tại Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh do Tập đoàn Việt - Úc đầu tư tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà, chúng tôi được chứng kiến một quy trình công nghệ sản xuất tôm giống hiện đại, trong đó việc chọn lọc tôm bố mẹ có vai trò quan trọng. Tập đoàn đang sản xuất, chọn lọc tôm bố mẹ thế hệ thứ 9 do đơn vị nghiên cứu. Công nghệ xử lý nước trong sản xuất tôm giống được áp dụng xử lý bằng bồn lọc than, bồn lọc cát qua hệ thống khử trùng tuyệt đối, sau đó được trữ lại và qua hệ thống nâng nhiệt để bảo đảm  duy trì nhiệt độ ổn định. Công nghệ ươm giống sử dụng công nghệ vi sinh với bí quyết là những loại vi sinh tăng sức bền cho con tôm, có sức chống chịu tốt, thích nghi môi trường; sử dụng công nghệ sinh khối tảo, phối trộn những loài tảo phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng của con tôm giống. Vì vậy, tôm giống luôn bảo đảm chất lượng tốt nhất.

Dự án Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh tại xã Tân Lập được khởi công xây dựng vào năm 2017 với tổng diện tích ban đầu hơn 300 ha, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, được xác định là điểm nhấn cho phát triển ngành sản xuất tôm công nghệ cao của Quảng Ninh. Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Mẻ giống tôm thẻ chân trắng đầu tiên được sản xuất tại Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh đã đạt hơn 12 triệu con, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng ngoài mong đợi. Tập đoàn Việt - Úc vừa đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất giống với lộ trình phù hợp để nâng công suất sản xuất giống tại đây lên tám tỷ con giống/năm, đủ cung cấp cho thị trường Quảng Ninh cũng như các tỉnh phía bắc. Đồng thời, gấp rút triển khai chương trình nuôi tôm bố mẹ để chủ động nguồn tôm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Quảng Ninh.

Năm 2019, Tập đoàn Việt - Úc đã cung cấp cho thị trường khoảng 600 triệu con tôm giống chất lượng cao. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 350 triệu con tôm giống được xuất bán và dự kiến trong năm 2020, lượng tôm thẻ chân trắng sản xuất tại đây ước khoảng một tỷ con. Số trại sản xuất giống tăng từ sáu trại (năm 2019) lên 24 trại ở thời điểm hiện tại. Hiện đơn vị cũng đang đưa các nhà khoa học đầu ngành tới huyện Đầm Hà để tìm hiểu, nghiên cứu dự án nhân giống và nuôi sá sùng trên địa bàn. Tập đoàn đã sản xuất thành công tôm giống “Made in Quảng Ninh”, hoàn thiện giai đoạn 1 của dự án không chỉ giải bài toán về con giống mà còn mở ra hướng phát triển mới cho ngành tôm của Quảng Ninh theo hướng hiện đại. Với chương trình chia sẻ hợp tác chiến lược, dự án Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh đang từng bước hiện thực hóa cam kết mục tiêu chiến lược xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm lớn nhất miền bắc.

Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà Trần Việt Dũng cho biết: Ngoài Tập đoàn Việt - Úc, đến nay, huyện đã thu hút được một số dự án quy mô lớn về nuôi thủy sản như: Dự án Trung tâm ương giống và nuôi thủy sản công nghiệp Đầm Hà, vốn đầu tư 200 tỷ đồng; đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại huyện Đầm Hà, vốn đầu tư 829 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển tại vụng Thoi Dây, xã Tân Lập, vốn đầu tư 68 tỷ đồng; dự án nuôi tôm công nghệ cao GFS tại xã Tân Lập của Công ty cổ phần quan hệ Quốc tế Đầu tư sản xuất với vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Mục tiêu của huyện là trở thành trung tâm sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản tập trung lớn của tỉnh. 

Xây dựng thương hiệu tôm Quảng Ninh

Nhận thấy rõ những ưu điểm của con tôm thẻ chân trắng, thời gian qua, Công ty CP Thủy sản Tân An đã chủ động ứng dụng công nghệ Biosipec nuôi tôm ba giai đoạn giúp thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất và cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quảng Ninh đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản công nghệ cao -0

Quy trình nuôi tôm ba giai đoạn của Công ty cổ phần Thủy sản Tân An, thị xã Quảng Yên đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu nuôi tôm, anh Phan Thanh Tuấn, cán bộ kỹ thuật của công ty cho biết: Thực chất của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ba giai đoạn là đầu tư kín. Nhờ áp dụng công nghệ vi sinh mà nuôi tôm theo quy trình này cách ly được môi trường dịch bệnh, nuôi với mật độ dày hơn, quản lý tốt được thức ăn và môi trường nuôi. Vì vậy, sẽ giúp nâng cao tỷ lệ tôm sống, tạo điều kiện tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích và nhất là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi. Điều quan trọng nhất của nuôi tôm ba giai đoạn là phải xây dựng và quản lý ao ương. Trong ao ương phải bố trí hệ thống sục khí bảo đảm ô-xy, nguồn điện phải chủ động. Ao ương phải có mái che và được xây dựng cao triều, để khi san tôm chỉ cần rút ống xả, lúc này môi trường nuôi đã cân bằng từ trước nên tôm dễ thích nghi, hạn chế xây xát tôm nuôi. Nuôi tôm theo công nghệ này sẽ nuôi được nhiều vụ trong năm nhờ rút ngắn thời gian cải tạo ao, ít bị dịch bệnh do quy trình nuôi khép kín, đồng thời hạn chế tối đa việc xả thải ra môi trường.

Với đặc thù có diện tích đất bãi triều ven biển tương đối lớn, nhiều ao, đầm, thị xã Quảng Yên có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Để phát huy lợi thế này, những năm qua Quảng Yên đã tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững. Đến nay, Quảng Yên đã quy hoạch 6.500 ha nuôi thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm, trong đó có 320 ha nuôi thâm canh và sản lượng tôm năm 2019 của thị xã đạt 2.500 tấn.

Xác định nuôi tôm là một ngành hàng kinh tế quan trọng, có vai trò lớn trong việc tạo việc làm cho người dân, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng nhiều mô hình, dự án thử nghiệm thành công vào sản xuất đạt hiệu quả; đáng chú ý, ngành tôm đang tiên phong trong quá trình hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường ra nhiều nước trên thế giới. Chi Cục trưởng Thủy sản Quảng Ninh Đỗ Đình Minh cho biết: Chi cục luôn là cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân có công nghệ nuôi tôm tiên tiến và các cơ sở nuôi tôm trong tỉnh nhằm hợp tác, chuyển giao, tiếp nhận ứng dụng khoa học - công nghệ phù hợp với năng lực sản xuất, khả năng đầu tư của chủ các cơ sở nuôi tôm. Xây dựng các mô hình trình diễn có hàm lượng ứng dụng khoa học - công nghệ cao về nuôi tôm tại một số vùng nuôi trọng điểm, địa phương trong tỉnh để tạo động lực khuyến khích, nhân rộng và là nơi trao đổi kinh nghiệm, thông tin giữa các chủ cơ sở nuôi tôm, nhà khoa học, quản lý.

Hiện nay, các mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP; nuôi trong nhà kính, nuôi công nghệ Biofloc, nuôi ba giai đoạn,... đang được áp dụng rộng rãi; điển hình là những mô hình nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng tại Quảng Yên, Đầm Hà, Móng Cái,... cho năng suất nuôi trung bình đạt từ 8 đến 10 tấn/ha/vụ, cá biệt có những mô hình cho năng suất nuôi đạt từ 20 đến 25 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, đã có một số cơ sở đang áp dụng nuôi tôm trong nhà kính. Đây là mô hình được đánh giá có hiệu quả cao, áp dụng cho nuôi trong thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh Nguyễn Hữu Giang cho biết: Để đạt được các mục tiêu phát triển ngành tôm theo quy hoạch và định hướng của tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần rà soát điều chỉnh quy hoạch, đánh giá kết cấu hạ tầng, xây dựng các vùng nuôi tôm tập trung, phù hợp với quy hoạch, từng bước đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, dùng chung đồng bộ cho các vùng nuôi tôm trọng điểm, bảo đảm có ít nhất 70% diện tích vùng nuôi đã quy hoạch được đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Cùng với đó, phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện và vận hành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại huyện Đầm Hà. Tỉnh cũng xác định, xây dựng và phát triển thương hiệu tôm Quảng Ninh phải theo chuỗi, chiều sâu trên cơ sở quản lý có hiệu quả việc phát triển nuôi tôm theo quy hoạch, kế hoạch; hạn chế tối đa hiện tượng tự phát, phát triển nóng dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung phát triển ngành thủy sản nói chung; trong đó đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại phát triển ngành nuôi tôm chất lượng cao; xây dựng thương hiệu tôm Quảng Ninh. Đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức, phát huy tính sáng tạo trong triển khai và cụ thể hóa các chính sách, huy động và phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế thủy sản toàn diện các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản, theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ cho du lịch, dịch vụ cao cấp, theo đúng quy hoạch phát triển ngành thủy sản của tỉnh.

Năm 2020, tổng diện tích nuôi tôm của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 9.400 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh đạt 4.000 ha; diện tích nuôi bán thâm canh/quảng canh cải tiến đạt 5.400 ha, chiếm 57,4%; tổng sản lượng tôm nuôi ước đạt 16.450 tấn; tổng kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 40 triệu USD; tổng sản lượng tôm giống sản xuất ước đạt hơn 10 tỷ con giống.

(Theo báo Nhân Dân)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục