Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh Quảng Ngãi đạt 234.737 tấn, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản là 6.400 tấn. Tổng diện tích có tiềm năng nuôi, trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.445 ha.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm: Năm 2010 là 28,4%, năm 2015 là 45%, 2018 là 51%, dự kiến ước thực hiện năm 2019 là 53% và mục tiêu đến năm 2020 đạt 55%.
Kết quả thực hiện đào tạo nghề năm 2019: Nghề nuôi, trồng, chế biến thủy sản: 215 người; nghề thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên: 3.451 người; chất lượng dạy nghề đã được nâng lên, các loại hình và hình thức dạy nghề phát triển đa dạng và phong phú.
Qua học nghề đã giúp người dân mở rộng quy mô kinh doanh, sản xuất giống và điều trị được các bệnh thường gặp trên thủy sản, nắm bắt kiến thức kỹ năng thực hành về bảo quản, chế biến thuỷ sản nhằm đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Một số mô hình nuôi thủy sản đạt hiệu quả cần được tiếp tục nhân rộng như: nuôi hàu, nuôi cá mú, cá bớp trong lồng, nuôi tôm sú ghép cá đối trong ao đất, nuôi ghép cá trắm cỏ với cá rô phi, chép, trôi trong ao hồ nhỏ ở miền núi, nuôi lươn không bùn trong bể xi măng...
Mô hình đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng tư, thuyền viên tàu cá cho ngư dân vùng ven biển phát huy hiệu quả và rất thành công ở tỉnh
Từ mô hình 1 lớp với 35 học viên tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, đã nhân rộng ra 100 lớp với 3.451 ngư dân của 28 xã vùng ven biển được học nghề. Mô hình này được các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân, các nghiệp đoàn nghề cá, đặc biệt là ngư dân hưởng ứng tích cực và đồng tình ủng hộ.
Qua học nghề, ngư dân đã được trang bị kiến thức về quản lý, kỹ thuật, bảo dưỡng, sửa chữa các loại máy móc, trang thiết bị trên tàu cá, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, giúp ngư dân vươn khơi bám biển một cách chủ động, tự tin, vừa làm kinh tế vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Số lao động này được nâng cao tay nghề, thu nhập bình quân 7 - 10 triệu đồng/tháng, một số lao động có thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, việc đào tạo vẫn còn một số khó khăn như nhiều lao động ở vùng đồng bằng và miền núi tham gia vào lực lượng lao động biển, tuy nhiên lực lượng lao động này chưa có kinh nghiệm trong khai thác thủy sản, do đó chất lượng lao động không cao. Giáo dục nghề nghiệp cho lao động nông thôn còn triển khai theo phương thức phổ biến nghề, chưa đáp ứng được yêu cầu trang bị kỹ năng nghề cho lao động nông thôn để có thể vận hành nền sản xuất hàng hóa hiện đại trong bối cảnh hội nhập.
Điều này xuất phát từ nhận thức của người dân về học nghề để nâng cao tay nghề, tăng giá trị thu nhập, học nghề để tự tìm việc làm, thêm việc làm, có việc làm mới và chuyển nghề còn chưa đầy đủ dẫn đến việc tuyển sinh học nghề rất khó khăn. Kỷ luật lao động, ý thức, tác phong công nghiệp của người lao động còn thấp.
Một số mô hình nuôi thủy sản đạt hiệu quả cần được nhân rộng như: Nuôi hàu, nuôi cá mú, cá bớp trong lồng
Để tiếp tục triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn phục vụ phát triển ngành nuôi, trồng, chế biến thủy sản trong thời thời gian đến cần xác định các nhiệm vụ: Thứ nhất là Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong thông tin và truyền thông, tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Thứ hai: Thực hiện rà soát, bổ sung danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp.
Thứ ba: Tăng cường công tác chỉ đạo, phân công gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhất là chính quyền cấp huyện, cấp xã. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình thực hiện Đề án.
Thứ tư: Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở dạy nghề lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và đào tạo theo nhu cầu của người lao động học nghề xong phải có việc làm.
Thứ năm: Xây dựng các cơ chế, chính sách về khai thác, bảo vệ nguồn lợi, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ, hạ tầng thủy sản theo hướng mở rộng xã hội hóa để thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào phát triển thủy sản nhằm thiết thực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, vận động, tuyên truyền Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.
Trong đào tạo cần lấy thực hành làm chính, với phương châm "cầm tay, chỉ việc", gắn với các mô hình sản xuất có hiệu quả, bền vững. Nhân rộng các mô hình sản xuất tiêu biểu, có hiệu quả cao từ việc ứng dụng các kiến thức được đào tạo từ các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn.
(Theo Dân Sinh)